Lãnh đạo huyện ký quyết định tổ chức hội chọi trâu phản cảm, tăng cường quản lý lễ hội bằng cách nào?

Dù ngành văn hóa đã rầm rộ "ra quân" quản lý lễ hội, nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều những vi phạm "năm nào cũng diễn ra, năm nào cũng chấn chỉnh". Làm thế nào để quản lý lễ hội thật sự hiệu quả? Mới nhất, ngày 20/2, Thủ tướng đã có chỉ thị về quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm gửi các bộ ngành và các cơ quan có liên quan. Đây có thể coi là một tín hiệu đáng mừng nữa cho công tác đưa lễ hội vào khuôn khổ.

“Phàm tục” hóa lễ hội


Cục Văn hoá Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch- VHTTDL) vừa có văn bản yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái xác minh thông tin phản ánh trên báo về tổ chức Hội chọi trâu tại huyện Lục Yên và báo cáo bằng văn bản về Cục trước ngày 22/2.

Sẽ chỉ cho phép duy trì những lễ hội chọi trâu truyền thống, có nét đẹp và văn minh lễ hội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.

Công văn này của Cục xuất phát từ một thông tin trên báo chí: “Chọi trâu không phép, thư viện thành lò… mổ”, phản ánh về hoạt động chọi trâu trên địa bàn huyện Lục Yên. Theo đó, mặc dù đã có các văn bản chỉ đạo cụ thể của tỉnh, Sở VHTTDL về việc không được phép tổ chức hội chọi trâu, nhưng huyện Lục Yên vẫn tổ chức hội chọi trâu rất lớn với quy mô lên đến 64 trâu. Hội cũng được bán vé cho dân xem với mức 30.000 đồng/vé vòng loại và 60.000 đồng/vé vòng chung kết. Đặc biệt, ngay sau trận đấu, các chủ trâu mang trâu ra khuôn viên của Thư viện huyện Lục Yên để xẻ thịt, bán cho du khách.


Theo phản ánh sơ bộ của các cơ quan chức năng liên quan, việc tổ chức “Hội chọi trâu” tại huyện Lục Yên là hoàn toàn trái phép. Tuy nhiên điều đáng nói là Ban tổ chức hội chọi trâu này được thành lập theo quyết định do đích thân Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Thịnh ký và do Phó Chủ tịch huyện An Hải Nam làm trưởng ban.


Dư luận cũng bức xúc khi hội chọi trâu trái phép này được tổ chức ngay tại các thiết chế văn hoá của huyện, gồm sân vận động và Trung tâm Văn hóa,Thông tin và thể thao huyện, trong đó khuôn viên của Trung tâm này đã trở thành nơi… giết mổ và bán thịt trâu.


Trước đó, lễ hội phản cảm cũng đã diễn ra ở một địa phương khác của huyện Yên Bái với hình ảnh treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái) - một hủ tục mà tỉnh Yên Bái đã khẳng định sẽ kiên quyết loại bỏ tại lễ hội này.


Cùng với đó, lễ chọi trâu không phép cũng đã diễn ra ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.


Dường như mặc cho những nỗ lực của ngành văn hóa, của truyền thông, những sai phạm ở lễ hội năm nào cũng lặp lại, thậm chí có xu hướng tăng tiến.


Có chỉ đạo, vẫn vi phạm, lỗi do đâu?


Thực tế những năm qua, lễ hội chọi trâu là một trong những lễ hội có nhiều tồn tại trong công tác tổ chức, trở thành “trọng tâm” trong việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.


Ngành văn hóa vì thế đã liên tục có những văn bản để chấn chỉnh hoạt động này, với chủ trương: Không cho tổ chức tràn lan lễ hội chọi trâu, chỉ giữ lại những lễ hội thật sự là lễ hội truyền thống; đồng thời không cho phép tổ chức những hội thi chọi trâu trái phép, trục lợi tại các địa phương.


Trong mùa lễ hội 2016, Cục Văn hóa Cơ sở đã có văn bản số 459/BVHTTDL-VHCS, ngày 19/2/2016; về việc tổ chức “lễ hội chọi trâu”, “hội chọi trâu” trên địa bàn tỉnh. Văn bản yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, bạo lực; lợi dụng lễ hội để thương mại, đặc biệt nhấn mạnh không tổ chức “ lễ hội chọi trâu”, “hội chọi trâu” nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.


Văn bản cũng nhấn mạnh, đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra việc tổ chức “lễ hội chọi trâu”, “hội chọi trâu” trên địa bàn tỉnh.


Mùa lễ hội 2017, Bộ tiếp tục gửi văn bản yêu cầu hai tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái chấn chỉnh, xử lý sai phạm khi để diễn ra các hội thi chọi trâu trái phép trên địa bàn. Trước đó, trong Hội nghị tổng kết hoạt động lễ hội năm 2016, trực tiếp lãnh đạo cao nhất của Bộ đã lên tiếng phản đối những lễ hội chọi trâu trái phép, không phải là lễ hội truyền thống; cũng như khẳng định đây là những lễ hội không lành mạnh, tổ chức không phải vì lợi ích của người dân mà là vì lợi ích của một nhóm cá nhân nào đó.


Về phía mình, là cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động lễ hội, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cũng cho rằng: Sở dĩ nhiều địa phương xin phép tổ chức chọi trâu, thậm chí “lách luật” để được chọi trâu dưới nhiều hình thức, là vì hoạt động này đem lại nhiều lợi nhuận cho bên tổ chức, mặc dù đây không phải là lễ hội truyền thống của địa phương đó. Họ bán vé cho người tham gia, rồi xẻ thịt trâu bán lại với giá rất cao, thí dụ như ở Tuyên Quang là khoảng 1 triệu đồng/kg. Chưa kể, ở một số lễ hội còn có biểu hiện cá cược, cờ bạc trá hình đối với các cặp trâu đấu.


“Điều này diễn ra tinh vi, người ngoài không biết được, không phát hiện ra, chỉ đi sâu vào tìm hiểu mới biết. Họ quảng cáo cả các cặp trâu để đặt cược. Đây là một hình thức kinh doanh lợi dụng danh nghĩa lễ hội để thu lợi. Việc này đã nảy sinh những vấn đề gây bất ổn mà những người làm công tác quản lý lễ hội như chúng tôi không muốn. Nếu không cho phép tổ chức chọi trâu hoặc các hình thức tương tự, sẽ không bán được vé, thịt trâu, không thu được lợi nhuận, dần dần sẽ không ai đứng ra tổ chức những hoạt động như thế này nữa”, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở cho biết.

Việc chọi trâu và những hình thức thi đấu động vật đối kháng tương tự, đã được quy định rất rõ ràng trong điều 4, Thông tư 15/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; Mô tả các hành động tội ác khác.


Vậy là thực tế thì các cơ quan chức năng đã nắm được, việc chấn chỉnh các cơ quan chức năng cũng … “đến hẹn lại lên”. Câu hỏi đặt ra là tại sao những lễ hội chọi trâu trá hình, phản cám, trái phép vẫn liên tục diễn ra?


Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL: Bộ đã có văn bản chỉ đạo rõ ràng về việc không tổ chức những lễ hội mang tính kích động bạo lực, phản cảm… như vậy. Tuy nhiên, do việc cấp phép tổ chức các lễ hội thuộc thẩm quyền của các địa phương, nên việc xử lý các sai phạm xảy ra cũng thuộc thẩm quyền địa phương. Về phía vai trò của Bộ VHTTDL, khi xảy ra những vi phạm này, Bộ cũng chỉ có thể ra văn bản… yêu cầu các địa phương phải xử lý thật nghiêm.


Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm cụ thể như thế nào cũng đang là vấn đề gây lúng túng với cơ quan chức năng. Các văn bản pháp quy đã quy định rõ việc tổ chức các lễ hội không đúng quy định, vi phạm pháp luật thì phải xử phạt, nhưng cụ thể là việc chọi trâu này phải xử phạt như thế nào, thì hiện nay cơ quan chức năng vẫn… chưa biết phải vận dụng văn bản nào để xử lý.


“Nếu chỉ phạt một vài triệu đồng thì nhiều nơi sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục thu lời. Trong khi với chức năng của mình, Bộ cũng chỉ có thể đề nghị các địa phương để xảy ra sai phạm tăng cường trách nhiệm quản lý là chính”, đại diện Bộ chia sẻ.


Vậy là, dưới thì “bất nghiêm”, trên thì lúng túng. Và việc quản lý lễ hội chỉ dừng ở văn bản, ở đề nghị. Nên chăng, cần có một hệ thống văn bản chặt chẽ và chi tiết, cũng như những chế tài thật sự đủ sức răn đe, để việc quản lý lễ hội sẽ không còn là việc hời hợt như “phủi bụi” nữa.


Ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm gửi các bộ ngành và các cơ quan có liên quan.


Văn bản nêu rõ: Hoạt động tổ chức lễ hội vẫn còn biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số địa phương còn tùy tiện trong việc cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội; phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống. Một số lễ hội còn tồn tại những tập tục cũ không phù hợp, gây phản cảm như: chém lợn, treo trâu; phô diễn, trình diễn “biểu tượng, linh vật khí” một cách thái quá, dung tục; chen lấn xô đẩy để cướp lộc, cướp ấn, cướp hoa tre...; tranh giành, đeo bám khách du lịch làm mất an ninh trật tự; lợi dụng các trò chơi biến tướng sang đánh bạc trá hình...


Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành: Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng có các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội; Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương, theo hướng quy định cụ thể về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần, số lượng khách mời.


Chấn chỉnh, hướng dẫn các địa phương việc cấp phép, tổ chức lễ hội truyền thống, không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin...




PT
Thủ tướng chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội
Thủ tướng chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN