Đây là dịp để người dân Thành phố ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với thế hệ tiền nhân đi trước đã gây dựng; nhắc nhở các thế hệ tương lai nối tiếp và phát huy truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố.
Ôn lại thân thế và sự nghiệp của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông Phạm Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 9 khẳng định Đức Lễ Thành Hầu là vị tướng đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định, người có công đầu trong việc hoạch định cương giới xóm làng, xác lập hệ thống chính quyền ở vùng đất Nam bộ. Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn là tấm gương sáng về tinh thần trung quân, ái quốc của bậc tiền nhân, hết lòng vì nước, vì dân; góp phần xác định chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn; khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt Nam ở dải đất Phương Nam.
Trong không khí trang nghiêm, trước gian thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đại diện lãnh đạo Thành phố cùng đông đảo các tầng lớp dân, thanh thiếu niên đã dâng lên nén hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc to lớn đối với Đức Lễ Thành Hầu; đồng thời, nguyện tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, chung sức, chung lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Tại lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo người dân và thanh niên thành phố tham gia tìm hiểu về lịch sử của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi đất phương Nam.
Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700), bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông sinh quán ở Quảng Bình, là vị tướng lãnh tài ba, nhà quản lý hành chính xuất sắc. Tưởng nhớ công đức to lớn của Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều địa phương như Đồng Nai, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình đã lập đền thờ và đặt tên cho đường, trường học.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, công trình đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng và hoàn thành năm 2016 tại khu II, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc tại Quận 9 và con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh nối liền giữa Quận 1 và quận Bình Thạnh nhằm khắc ghi công đức của ông; đồng thời, giúp các thế hệ trẻ được tìm hiểu, ôn lại lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.