Sáng 19/3 (ngày 19 tháng Hai năm Giáp Ngọ), tại chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ chính của Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2014. Sau nghi lễ Phật giáo là các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao như đua thuyền truyền thống, tham quan và chiêm bái Lễ hội...Lễ hội có các nghi thức: Thượng phan, thượng kỳ; xem triển lãm tranh, ảnh du lịch - thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, thư pháp - thiền trà, biểu diễn trống hội và múa trình tường; thưởng thức những điệu hô hát bài chòi Khu V; giao lưu thơ nhạc; dự Lễ Tế xuân cầu Quốc thái dân an; thả hoa đăng tại bờ sông Cổ Cò cầu may mắn, yên bình...Đặc biệt có tiết mục kết hoa lá thành đài sen với 7 đầu rắn chầu Phật (NAGA) do đoàn các nhà sư Thái Lan thực hiện; biểu diễn thư pháp độc đáo của 10 nhà thư pháp Nhật Bản và các nhà thư pháp Việt Nam.
Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội văn hóa tâm linh tồn tại lâu đời ở Đà Nẵng, nét đẹp trong đời sống tinh thần không thể thiếu của người dân thành phố nói chung và người dân Ngũ Hành Sơn nói riêng. Lễ hội Quán Thế Âm, được tổ chức hằng năm vào ngày 19/2 âm lịch, cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thế giới hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, hỷ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc.
Tham dự Lễ hội năm nay có lãnh đạo UBND thành
phố, quận Ngũ Hành Sơn, Ban Tôn giáo thành phố, Ban Trị sự Giáo hội Phật
giáo Việt Nam thành phố, các Đạo tràng, đồng bào phật tử và hàng vạn du
khách từ khắp mọi miền đất nước.
Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội văn hóa tâm linh tồn tại lâu đời ở Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN |
Trước đây, Lễ hội Quán Thế Âm dường như chỉ dành riêng cho những người theo đạo Phật, nhưng từ năm 2000 đến nay, khi trở thành một trong 15 lễ hội quốc gia, thì nó đã trở thành một sự kiện văn hóa thôi thúc mọi người khắp nơi tìm về lễ hội, hòa mình trong cảm giác bình an, đậm nét truyền thống dân tộc.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng Ban đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn, Trụ trì chùa Quán Thế Âm cho biết: Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đang được các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Đây là những minh chứng sống động, là niềm tự hào của một vùng đất lịch sử - văn hóa của thành phố Đà Nẵng.
Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo. Đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam; chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển.
Văn Sơn