Đây là lễ hội thường niên để tưởng nhớ Thiên Y Thánh Mẫu Ana, được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Từ mờ sáng, hàng trăm đoàn khách, rất đông đồng bào Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và người dân ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tề tựu tại Tháp Bà Ponagar tham gia lễ hội.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 09 - 15/5, tại di tích Tháp Bà Ponagar. Năm nay có hơn 100 đoàn hành hương trong và ngoài tỉnh đã đăng ký với Ban tổ chức vào làm lễ. Ngoài đoàn vào tháp chính tổ chức cúng, dâng hương, Ban tổ chức bố trí cho các đoàn đến múa biểu diễn nghệ thuật nhằm tán dương công đức của Thánh Mẫu Ana; cầu cho mưa thuận gió hòa, bình an hạnh phúc.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar gồm nghi thức chính như: Lễ thay y, lễ cầu quốc thái dân an, lễ cúng ngọ, tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương, lễ dâng hương tạ Mẫu… Tham gia lễ hội, du khách được chiêm ngưỡng các điệu múa truyền thống dưới chân Tháp Bà do vũ nữ Chăm ở Ninh Thuận biểu diễn. Lễ hội là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên dải đất miền Trung.
Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, cạnh dòng sông Cái, thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm. Lễ hội Tháp Bà Ponagar là Di sản Văn hóa phi vật thể, thuộc loại hình lễ hội truyền thống, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012.