Lễ hội truyền thống Bạch Đằng: Khẳng định giá trị vĩ đại trong lịch sử của dân tộc

Ngày 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, kỷ niệm 1084 năm (9-2022), 1041 năm (981-2022) và 734 năm (1288-2022) Chiến thắng Bạch Đằng.

Từ tháng 11/2021, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chú thích ảnh
Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh tư liệu: Đức Hiếu/TTXVN

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng là sự kiện chính trị, văn hóa và du lịch có ý nghĩa quan trọng; là dịp để bày tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân và nhân dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Qua đó, khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khơi dậy truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2022.

Bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử, hàng nghìn người dân cùng ôn lại những chiến công lẫy lừng của Ngô Quyền chống quân Nam Hán năm 9, của Lê Đại Hành chống quân Tống năm 981 và của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông năm 1288; đây là 3 trận thủy chiến đánh đuổi quân Nguyên xâm lược, làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Di tích Chiến thắng Bạch Đằng cùng với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng đã và đang trở thành mạch nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc.

Ông Trần Đức Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết, thị xã Quảng Yên đang tích cực phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ triển khai giai đoạn II Dự án bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Đồng thời, đang hoàn thiện đề án đưa nội dung tuyên truyền giáo dục truyền thống Bạch Đằng vào chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thị xã để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên luôn quan tâm đặc biệt đối với Khu di tích. Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419 xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 322 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng. Từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tầm vóc lịch sử, giá trị của di tích.

Sau phần nghi lễ, dâng hương…, Lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo là hoạt động được mong chờ nhất của người dân. Hàng chục đoàn rước với những mâm lễ cúng được chuẩn bị chu đáo đi cùng đoàn rước đến đình Yên Giang. Người dân hai bên đường cũng chuẩn bị những mâm cỗ để dâng lên Đức Thánh, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiên đế, những người đã có công làm nên Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Thanh Vân (TTXVN)
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021: Khơi nguồn lịch sử
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021: Khơi nguồn lịch sử

Lễ hội nhằm khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN