Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cách thành phố Hà Giang 100 km về phía tây. Do kết cấu thổ nhưỡng và địa hình chia cắt mạnh bởi những dãy núi cao, nên ruộng bậc thang là loại hình canh tác chủ yếu của bà con các dân tộc.
Trải qua năm tháng và sự tôn tạo của con người, những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn đã hình thành. |
Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: Theo thống kê, toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 3.700 ha ruộng bậc thang lúa nước, chủ yếu là ruộng một vụ tại 25 xã, thị trấn. Trong đó, những thửa ruộng bậc thang tại các xã Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ do sườn núi có dốc lớn, nên những thửa ruộng thường hẹp, bờ ruộng tương đối cao và kéo dài từ bờ suối lên đến lưng chừng núi, tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Điều đáng nói là, cảnh quan hùng vĩ ấy không phải do thiên nhiên kiến tạo, mà là kết quả công sức lao động cần cù và sáng tạo của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số, trong quá trình khai hoang, sinh sống và tồn tại đã xây đắp nên. Những thửa ruộng bậc thang đó thể hiện ý chí nghị lực và khả năng cải tạo thiên nhiên của cộng đồng các dân tộc ở đây.
Ruộng bậc thang là tiềm năng để thúc đẩy du lịch ở Hà Giang. |
Cũng theo ông Trần Chí Nhân, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì không chỉ là tư liệu sản xuất, mà còn là minh chứng về lịch sử cư trú từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Hoàng Su Phì. Trước đây, bà con chủ yếu canh tác du canh du cư. Khoảng 300 năm trở lại đây, bà con định cư làm lúa nước, tạo nên những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ như ngày nay. Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ tôn tạo, kiến tạo đã hình thành những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn như hiện nay.
Tháng 9, tháng 10 hàng năm chính là mùa lúa chín vàng. Đến Hoàng Su Phì vào những ngày này, du khách sẽ được đắm mình trong không gian đầy sắc màu. Những thửa ruộng bậc thang như những dải khăn mềm mại ôm quanh triền núi, màu vàng của lúa, màu xanh của núi rừng bạt ngàn, màu trắng của mây đan xen tạo thành một cảnh quan rực rỡ, tươi đẹp, nhưng không kém phần hùng vĩ.
Hoàng Su Phì là vùng đất tập trung nhiều đồng bào dân tộc như Dao, Mông, La Chí, Tày, Nùng... sinh sống. Ruộng cũng là nguồn sống chính của bà con, nên trong quá trình khai thác, sử dụng, bà con các dân tộc đã tự có ý thức bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên, trước đây, bà con chỉ gieo cấy một vụ. Để nâng cao đời sống kinh tế cho bà con, huyện và tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng đất, như hỗ trợ bà con khai hoang mở rộng diện tích, tư vấn và hỗ trợ các loại giống năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh… giúp bà con cải thiện cuộc sống. Đồng thời, huyện cũng vận động bà con đưa vào sản xuất nhiều giống rau mới vụ đông để thâm canh theo mùa, giúp bà con nông dân làm giàu được trên những thửa ruộng bậc thang của cha ông. Huyện cũng khuyến khích bà con trồng hoa tam giác mạch để thu hút khách tham quan…
Màu vàng của lúa, màu xanh của núi rừng, màu trắng của mây mang tới vẻ kỳ ảo cho phong cảnh Hoàng Su Phì. |
Ông Trần Chí Nhân cho biết: Từ sau khi ruộng bậc thang được công nhận là Di tích quốc gia, UBND huyện đã xác định đây là điều kiện tốt, là cơ hội để phát triển du lịch, nên đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên nhằm thu hút du khách như khuyến khích các tổ chức tham gia hoạt động du lịch; cho thuê dài hạn hệ thống nhà hàng, khách sạn thuộc huyện quản lý, trích ngân sách hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh, khôi phục làng nghề truyền thống… Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng tới việc mở các tour, tuyến du lịch tham quan giữa các vùng miền, nối những điểm đẹp nhất để có thể ngắm ruộng bậc thang như bản Phùng, Thông Nguyên, bản Luốc… Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của Hoàng Su Phì.
Hiện nay, Hoàng Su Phì đã có 8 làng có hình thức du lịch cộng đồng và được du khách đến nghỉ tương đối đông. Tại xã Thông Nguyên có 4 làng du lịch gồm: Làng du lịch Nậm Hồng, Làng Thượng, Fìn Hồ và làng Giang. Tại xã bản Luốc có một làng, thị trấn Vinh Quang có làng văn hóa dân tộc Nùng... Mỗi làng gắn với cảnh quan, gắn với nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Bên cạnh đó, quá trình canh tác trên những thửa ruộng bậc thang, những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống trên huyện Hoàng Su Phì cũng dần hình thành. Những nét văn hóa độc đáo và riêng biệt đó được thể hiện qua các tín ngưỡng và lễ thức như lễ cúng hồn lúa, lễ mừng cơm mới, lễ hội lồng tồng của dân tộc Dao, Tày - Nùng và các trò chơi dân gian như: trò vật chày, kéo co, ném còn của dân tộc Dao, Tày, trò liếm lưỡi cày nung đỏ của dân tộc Cờ Lao… Những lễ thức văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc này đang thu hút nhiều du khách đến thăm.
Ông Trần Chí Nhân cho biết, nhờ tuyên truyền, quảng bá tốt, mà càng ngày, lượng khách du lịch đến Hoàng Su Phì ngày càng tăng. Theo thống kê, năm 2010 Hoàng Su Phì đón hơn 200 lượt khách quốc tế, thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên đến gần 3.000 lượt. Còn khách nội địa cũng tăng dần, đến năm 2014, Hoàng Su Phì đón hơn 7.000 lượt khách nội địa.
Cuối năm 2014 vừa qua, một dự án của Thụy Sỹ về cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi thông qua phát triển du lịch cộng đồng đã được thông qua. Theo đó, trên cơ sở những danh thắng hiện có ở địa phương, dự án sẽ tập trung xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, dịch vụ gắn với danh thắng để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, từ đó nâng cao thu nhập bà con. Hiện nay, định mức đầu tư cũng như quy mô dự án đã được duyệt, huyện sẽ xúc tiến và chuẩn bị khởi động triển khai trong thời gian sớm nhất.