Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Phản ánh sự khởi sắc của điện ảnh Việt

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập” sẽ khai mạc tối 23/11 tại Bà Rịa –Vũng Tàu với sự tham dự của hàng ngàn khách mời, nghệ sỹ.

Đây là sự kiện có ý nghĩa, động viên, khích lệ thành công, nỗ lực của ngành điện ảnh khi cho ra đời các bộ phim đậm bản sắc dân tộc, nhân văn, nâng cao vị thế, thương hiệu của điện ảnh Việt Nam. Các bộ phim cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam.

Đạo diễn tìm tòi, tạo dấu ấn

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đã chọn lựa được 104 bộ phim tiêu biểu các loại hình: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, khoa học và phim hoạt hình ở các hạng mục phim dự thi; phim chiếu trong chương trình toàn cảnh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI Tạ Quang Đông. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, 104 phim ở các thể loại được lựa chọn ở Liên hoan phim lần này đã phần nào phản ánh được những suy tư, trăn trở, những cung bậc tình cảm, khát khao vươn lên của con người Việt Nam hướng tới cái đẹp trong tâm hồn, chính nghĩa trong cuộc sống để bảo vệ những điều tốt đẹp của dân tộc.

Phim truyện điện ảnh dự thi ở mỗi kì liên hoan luôn được giới huyên môn, công chúng và báo giới quan tâm. Theo nhận định của Ban tổ chức, tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI có 16 bộ phim truyện điện ảnh được tuyển chọn vào hạng mục “Phim truyện dự thi”, phản ánh rõ nét sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây.

Đa dạng thành phần làm phim là nét đáng chú ý ở Liên hoan phim năm nay, bởi có sự góp mặt của các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất và phim của các nhà sản xuất tư nhân. Trong đó, phim tư nhân sản xuất vẫn chiếm đa số các phim dự thi, được đầu tư kinh phí lớn, doanh thu cũng rất lớn.

Liên hoan phim lần này có sự góp mặt của nhiều thế hệ đạo diễn. Bên cạnh các đạo diễn gạo cội như Trần Ngọc Phong là các đạo diễn “triệu đô” rất mát tay như Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải, Đỗ Đức Thịnh... Ngoài ra là sự góp mặt của các đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản và đang ở thời điểm sáng tác sung sức nhất như Đặng Thái Huyền, Vũ Ngọc Phượng, Đinh Tuấn Vũ...; sự nhập cuộc của một số đạo diễn từ nước ngoài trở về Lê Văn Kiệt, Mai Thế Hiệp, Lê Nhật Quang...

Mười sáu bộ phim dự thi Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đa dạng các thể loại, từ phim hài, tình cảm gia đình, tâm lý xã hội, phim kinh dị, giả tưởng đến phim hành động và cả phim remake (làm mới). Bên cạnh đó là sự phong phú về đề tài như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình và có cả sự trở lại của đề tài hậu chiến. Bằng cách tiếp cận tươi mới của thế hệ làm phim trẻ, được học hành bài bản, có dấu ấn cá nhân, các bộ phim đã cho thấy sự dấn thân và quyết liệt của lớp đạo diễn trẻ kế cận. Dù chọn đề tài nào các đạo diễn đều có những tìm tòi sáng tạo để làm mới những đề tài tưởng như đã cũ.

Các bộ phim dự thi cũng cho thấy nhiều góc nhìn độc đáo, sát với thị hiếu của khán giả, nhất là phim tư nhân với tính giải trí cao. Trong 5 phim có doanh thu cao nhất của phim Việt Nam đến thời điểm này có đến 3 phim dự thi năm nay là “Hai Phượng” (doanh thu 200 tỷ đồng), “Cua lợi vợ bầu” (doanh thu 191,8 tỷ đồng), “Lật mặt: Nhà có khách” (doanh thu 117,5 tỷ đồng). Việc nhiều phim đạt mức doanh thu kỷ lục khi chiếu rạp dự thi năm nay đã phản ánh sự sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay, đặc biệt là năm 2019 - một năm thành công về doanh thu của phim Việt.

Nỗ lực tìm “vàng”

Ở 3 hạng mục dành cho phim dự thi tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đều có sự tham gia chấm chọn của các Ban Giám khảo gồm các nhà hoạt động điện ảnh có uy tín. Trong đó, Ban Giám khảo phim truyện gồm 9 thành viên; Ban Giám khảo phim tài liệu, khoa học: 7 thành viên; Ban Giám khảo phim hoạt hình: 7 thành viên.

“Ghế nóng” Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện do Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà phê bình lý luận, phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đảm nhiệm. Các thành viên gồm: Nghệ sỹ Nhân dân, nhạc sỹ Trọng Đài; nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm; Nghệ sỹ Ưu tú, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng; diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh; nhà báo Trần Hữu Việt; họa sỹ thiết kế điện ảnh Nguyễn Trung Phan; đạo diễn, nhà quay phim Nguyễn Nam; đạo diễn Lê Thanh Sơn.

Ông Trần Luân Kim - Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện cho biết, ở tất cả các kỳ liên hoan phim trên toàn thế giới đều có phim hay, phim dở, phim chất lượng trung bình. Liên hoan phim ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, các thành viên Ban Giám khảo – những người “cầm cân nảy mực” phải hết sức tập trung, công tâm, khách quan, nỗ lực tối đa để chọn ra được những tác phẩm thực sự xuất sắc, trao tặng phần thưởng xứng đáng nhất.

Nữ diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ, năm nay là lần đầu tiên cô tham gia Ban Giám khảo phim truyện. Được xem 16 bộ phim, cô đã trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc cùng các thành viên khác; chiêm nghiệm ra được nhiều điều về làm phim thị trường, phim dự liên hoan... Để lựa chọn  những bộ phim, diễn viên xứng đáng trao giải là điều rất khó khăn cho Ban Giám khảo.

Có ý kiến cho rằng các phim truyện do các hãng tư nhân sản xuất rất thu hút khán giả, có phim đạt doanh thu phòng vé rất cao, chiếm số lượng lớn các phim dự thi năm nay. Trong khi đó, chỉ có 4 phim truyện có sự đầu tư của Nhà nước là: "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo" (70% vốn Nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa); "Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Hãnh phim Giải Phóng). Liệu có sự ưu ái nào dành cho phim có sự đầu tư của Nhà nước hay không?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Không nên phân biệt phim tư nhân hay phim Nhà nước và cũng không có bất cứ sự ưu ái nào dành cho các phim có sự đầu tư của  Nhà nước tại các kỳ liên hoan phim. Chất lượng nghệ thuật của các phim luôn là tiêu chí đánh giá được đặt lên hàng đầu...

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nêu rõ, tất cả các phim tham dự Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI là phim đã được sản xuất, cấp giấy phép phổ biến từ ngày 11/9/2017 đến ngày 10/9/2019. Riêng bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" là trường hợp đặc biệt do Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan phim xem xét, quyết định, phù hợp với quy định.

Thanh Giang (TTXVN)
Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ 6-12/11
Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ 6-12/11

Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 cho biết, Tuần phim chào mừng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ ngày 6-12/11/2019 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN