Lò nung vật liệu thời Trần được phát hiện tại Yên Bái

Ngày 20/12, Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái tổ chức báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học các di vật lò nung vật liệu thời Trần tại di tích Pù Lườn Xe thuộc thôn 7, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái.

Năm 2011, Bảo tàng Yên Bái phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát tại thôn 7, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã phát hiện được quần thể di tích Pù Lườn Xe. Sau khi khai quật mở 11 hố thám sát tại khu vực chân đồi đã xuất lộ dấu vết của một hàng gạch, tường gạch cổ… Đến năm 2015, Bảo tàng tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành điều tra khảo sát các di tích này, phát hiện nhiều mảnh gạch, ngói, các loại hình trang trí mái kiến trúc như: ngói đầu đao gắn lá đề, ngói đầu đao gắn trên mái tháp, ngói tạo hình tượng rồng…

Di tích lò nung vật liệu từ thời Trần được khai quật. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Ngày 27/10/2016 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ra quyết định cho phép Bảo tàng tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh thành khai quật di tích Pù Lườn Xe.

Qua khai quật, các nhà khoa học đã kết luận Pù Lườn Xe là di tích lò nung vật liệu thuộc loại hình di chỉ sản xuất. Đây là lò nung vật liệu kiến trúc với nhiều loại hình khác nhau từ gạch, ngói, đến các loại tượng đất nung, các loại tháp mô hình phục vụ cho việc xây dựng các công trình kiến trúc ở khu vực di tích đồi Hắc Y và chùa Bến Lăn (di tích cấp quốc gia được công nhận năm 2001 tại huyện Lục Yên, Yên Bái), có thể phục vụ xây dựng nhiều công trình ở địa điểm khác…Vật liệu xây dựng và các sản phẩm của lò nung đều có niên đại khoảng từ thế kỷ13 – 14, thuộc thời Trần.


Phó giáo sư – Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Đây là lần đầu tiên một lò nung vật liệu có niên đại thời Trần được khai quật ở miền Bắc Việt Nam, điều này mang ý nghĩa rất to lớn. Việc phát hiện, khai quật di tích sẽ cung cấp tư liệu, mở ra hướng mới cho công tác nghiên cứu về việc sản xuất vật liệu kiến trúc thời Trần. Kết quả của cuộc khai quật cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân địa phương trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích.
Tuấn Anh (TTXVN)
Bướt ngoặt trong công trình khảo cổ ở An Khê
Bướt ngoặt trong công trình khảo cổ ở An Khê

Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu các di tích khảo cổ học ở An Khê (Gia Lai) đã làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học ở một số nước trên thế giới và ghi nhận: Việt Nam hướng tới sự khẳng định có sự xuất hiện của con người thời tối cổ, người Vượn đứng thẳng - tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN