Theo đại diện Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trước mùa lễ hội nhiều tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, tổ chức hội thảo, trao đổi trực tiếp với người dân tại cơ sở bàn về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt là bàn về các giải pháp thay đổi tục “hiến sinh” trong lễ hội, nhằm đảm bảo phù hợp xã hội hiện tại.
Hai ông ỉn được rước quanh làng trước khi đưa về đình làm cỗ ngọc tế Thánh ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh:Thanh Thương/TTXVN |
“Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát các lễ hội có tục “hiến sinh”, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong lễ hội, loại bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, giảm bớt những tập tục không còn phù hợp”, đại diện này cho biết.
Mới đây nhất, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ), Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức hội thảo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại Lễ Cầu Trâu của xã Xuân Quang, Hương Nha. Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức lễ hội khẳng định khi tổ chức lễ hội trong thời gian tới cũng đã nhất trí không tổ chức đập đầu trâu cho đến chết, mà sẽ thay thế bằng hình thức khác phù hợp.
Vào mùa lễ hội năm 2016, lễ hội làng Ném Thượng cũng đã không còn công khai nghi thức chém đứt thủ lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của hàng nghìn người và không còn hình ảnh người dân quẹt tiền vào máu lợn với niềm tin mang may mắn về nhà. Để có được sự chấm dứt này, là một quá trình đấu tranh khá “quyết liệt” và cũng khá lâu dài giữa lãnh đạo ngành văn hóa với đại diện lãnh đạo địa phương, bởi theo quan điểm của địa phương, tục chém lợn này là một “nét riêng” của lễ hội, là một truyền thống tồn tại lâu đời, từ cha ông truyền lại; vì vậy không có gì là “phản cảm”, “ghê rợn” cả. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thậm chí trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ; cuối cùng lễ hội cũng đã được xóa bỏ những phần nghi lễ không phù hợp, gây phản cảm.
“Bên cạnh những lễ hội truyền thống địa phương nói trên, có một số địa phương vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu; dù đây không phải là lễ hội truyền thống của địa phương như xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Phúc Thọ (Hà Nội), Quang Bình (Hà Giang), Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); Tân Nguyên, Đông Cuông, Lục Yên, Nghĩa Lộ, Y Can, Văn Chấn, Trấn Yên (Yên Bái), Bảo Hà, Bảo Thắng (Lào Cai), Mai Sơn (Sơn La)... Về vấn đề này, Bộ VHTTDL đã có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian tới”, đại diện Cục Văn hóa Thông tin cơ sở cho biết thêm.
Theo một nhà văn hóa, việc bảo tồn các lễ hội dân gian là cần thiết, tuy nhiên cũng phải thấy rằng lễ hội không phải bất biến, có thể điều chỉnh được, nhất là những thứ không còn phù hợp với xã hội đương đại.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 41 - CT/TW ngày 5/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 229/CĐ - TTg ngày 12/2/2015 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Bản thân Bộ VHTTDL cũng ra Thông tư số 15/2015/TT - BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu không cấp phép tổ chức “lễ hội chọi trâu”, “hội chọi trâu” nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương. |