Lưu giữ những phút giây đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Tác giả Nguyễn Minh Vỹ và NXB Công an Nhân dân đã chọn thời điểm cả nước rộn ràng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, để cho ra đời cuốn sách ảnh lịch sử “Phút giây đáng nhớ”. Âu đây cũng là tấm lòng của một cựu lính, cựu phóng viên TTXVN dành cho thời khắc kỷ niệm đầy trọng đại này của dân tộc.

Ảnh chụp Chủ tịch Nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và phái đoàn của ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đi thăm chiến trường Quảng Trị tháng 9/1973.


Dày gần 200 trang, mỗi trang trung bình là 3 bức ảnh. Cả cuốn sách ảnh “Phút giây đáng nhớ” là hơn 500 bức ảnh tiêu biểu, trong số hàng ngàn bức ảnh mà tay máy “nghiệp dư” Nguyễn Minh Vỹ, như cách tự nhận của ông, đã chụp trong thời gian ông sống, chiến đấu, tác nghiệp ở Quảng Trị - cũng là thời gian khốc liệt nhất của cuộc chiến nơi đây (1967 - 1975). Đó có thể là hình ảnh của chính ông, của chính đồng đội, đồng nghiệp của ông; những người ông quen thân, sống cùng, chiến đấu cùng; những người ông chỉ vừa kịp gặp mặt rồi lại chia tay trên đường hành quân ra mặt trận…

Đó có thể là phút giây bình lặng của bữa cơm sau trận chiến, bên suối bắt cá cải thiện cuộc sống cho đồng đội, hay một lá thư gửi về cho vợ với nét chữ bay bướm, chứa bao yêu thương và cái phong bì cũng rất rất điển hình của thời ấy… Đó có thể là phút giây hành quân hối hả trên đường, phút căng thẳng nối giây giữ vững liên lạc thông suốt của người lính Điện báo viên trong mưa bom, bão đạn. Tất cả đều có trong đó, trong vỏn vẹn dù chỉ gần 200 trang sách đó. Và trên hết, tất nhiên, là ngồn ngộn những hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Điện báo viên; bởi đó cũng chính là cuộc sống của Nguyễn Minh Vỹ - người Điện báo viên đất Quảng Trị năm xưa.

Phục vụ chỉ huy tác chiến tại chốt Triệu Phong - Quảng Trị (tháng 6/1974).


Chính vì lẽ đó, như nhận xét của Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Công an Nhân dân: “Khi mở cuốn sách này, những đồng đội của Nguyễn Minh Vỹ có thể tìm lại ký ức hào hùng một thời trai trẻ của mình, bạn đọc trẻ có thể hình dung được không khí chiến tranh khét lẹt mùi thuốc súng, khói bom, thấy được lịch sử đau thương là hào hùng của một thời ông cha đã từng trải qua và đây cũng là nén tâm nhang gửi tới những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường cho hôm nay và cho mai sau”. 

Nguyễn Minh Vỹ sinh năm 1945, tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử Tự động hóa tại Liên Xô (cũ) và là một trong ba thành viên sáng lập (cùng với Tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên và Tiến sĩ Ninh Văn Miển) của Điện tử Hà Nội HANEL lừng danh một thời.

Năm 1965, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Vô tuyến điện của Đại học Kỹ thuật Thông tin (Phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), Nguyễn Minh Vỹ là một trong số ít người được tuyển chọn về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của “CP16” để chuẩn bị đi chi viện chiến trường miền Nam. Đó là đơn vị thông tin đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có hàng ngàn cán bộ, kỹ thuật viên của cơ quan đặc biệt này được cử đi các chiến trường B, C, K… Sau một thời gian học tập, huấn luyện tại Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của “CP16”, cuối năm 1966, Nguyễn Minh Vỹ nhận được lệnh điều động đi công tác phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam, với nhiệm vụ làm Điện báo viên Vô tuyến điện.

Hành quân ra trận (tháng 10/1974).


Đúng ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/1966, Nguyễn Minh Vỹ tham gia đoàn cán bộ chi viện miền Nam của Ban Thống nhất Trung ương, chính thức lên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Hồi đó, chiến trường bị chia cắt ra nhiều vùng, nên vô tuyến điện vẫn là phương tiện thông tin chủ yếu. Nguyễn Minh Vỹ được phân công trực tiếp làm nhiệm vụ tại Đài Vô tuyến điện Quảng Trị.

Nếu như Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt, nhiều hy sinh mất mát nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thì Đài Vô tuyến điện Quảng Trị cũng là một trong những đơn vị lập nhiều thành tích nhất trong suốt những năm 1966 - 1975, vì đã giữ vững được làn sóng điện trong điều kiện khó khăn gian khổ và ác liệt nhất.

Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt ấy, Điện báo viên Nguyễn Minh Vỹ ngoài phương tiện thông tin liên lạc, cây súng bộ binh, ông còn luôn mang theo bên mình hai chiếc máy ảnh do Liên Xô (cũ) và Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất để ghi lại những “phút giây đáng nhớ”. Biết Nguyễn Minh Vỹ say mê chụp ảnh, có đồng đội còn tặng ông thêm chiếc máy ảnh của Mỹ, chiến lợi phẩm thu được sau một trận đánh. Và thế là, không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò Điện báo viên của mình; là một tay máy không chuyên, nhưng bằng sự đam mê nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Vỹ đã từng chụp hàng ngàn bức ảnh tại chiến trường Quảng Trị. Hàng trăm chiếc trong số đó đã được Thông tấn xã Việt Nam sử dụng và công bố thời kỳ cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

Các chiến sĩ Giải phóng quân Quảng Trị tấn công chiếm lĩnh Chi khu Cam Lộ (tháng 2/1973).


Năm 1971, sau khi Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Trị được thành lập, Nguyễn Minh Vỹ là một trong những thành viên đầu tiên và nhiệt tình tác nghiệp nhất. Hàng ngàn bức ảnh chiến trường Quảng Trị đã được Nguyễn Minh Vỹ ghi lại. Không phải là một nhiếp ảnh gia, cũng không phải là người được đào tạo làm phóng viên chiến trường,  những cái “không” ấy xem ra lại là những lợi thế cho những tác phẩm của Nguyễn Minh Vỹ.

Thứ nhất, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu của quân và dân ta tại chiến trường khốc liệt nhất trong khoảng thời gian ác liệt nhất; và chính Nguyễn Minh Vỹ là một nhân vật. Ông đã cùng các chiến sĩ bộ đội, chiến sĩ thông tin đi vào những chiến dịch ác liệt nhất, phản ánh một cách trung thực cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt của bộ đội ta vùng Gio Linh, Cam Lộ. Cuộc chiến đấu mà có những thời điểm Nguyễn Minh Vỹ và đồng đội phải nằm hầm bí mật hàng tháng trời trong vòng vây, bị quân địch lùng sục suốt ngày đêm. Có những đồng đội không may bị chúng xăm hầm phát hiện ra, đã buộc phải bật nắp xông lên, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…

Chính vì vậy, dõi theo những tấm ảnh của Nguyễn Minh Vỹ, có thể thấy rõ những chặng đường hành quân của bộ đội, thấy được nhiệm vụ  của những người lính thông tin, Điện báo viên trong từng trận đánh, thấy được ý chí quyết tâm đánh thắng giặc của toàn dân, toàn quân ta.
Thứ hai, những bức hình được chụp bởi một tay máy không chuyên nên nó chân thực, không hề có sự sắp đặt, bố trí, không được chuẩn bị trước và không hề có đạo diễn.

Chính vì thế, cuốn sách ảnh “Phút giây đáng nhớ” mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Ta nhận thấy rõ phút giải lao sau trận đánh của các chiến sĩ, thấy được những sinh hoạt hết sức đời thường, cả những người đồng chí, đồng đội của tác giả, có người đã không trở về… Đặc biệt, Nguyễn Minh Vỹ may mắn là một trong những người đã ghi lại thời điểm Chủ tịch Nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và phái đoàn của ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đi thăm chiến trường Quảng Trị tháng 9 năm 1973, ngay sau thời điểm thị xã Đông Hà được giải phóng. Ông đã ghi lại thời điểm Chủ tịch Fidel Castro thăm lại những địa bàn ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, thăm thị xã Đông Hà, thị xã Cam Lộ, thăm hàng rào điện tử Mc Namara… và cuộc trò chuyện của Chủ tịch Cuba với chính quyền và nhân dân Quảng Trị. Có thể nói, đó là những khoảnh khắc không phải ai cũng có may mắn được chứng kiến trong đời, nhất là trong điều kiện chiến tranh, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh…

Để chuẩn bị tư liệu cho việc xuất bản cuốn sách ảnh lần này, Nguyễn Minh Vỹ đã dành thời gian làm việc với bộ phận lưu trữ ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, tìm lại những bức ảnh ông đã chụp năm xưa. Sau đó, ông còn phải cất công đến nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước, tìm gặp các đồng đội cũ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 để xác định bản quyền ảnh hợp pháp của mình.

Kỳ công thế nhưng như bật mí của ông và Đại tá, nhà văn Đặng Vương, người tổ chức bản thảo và biên soạn sách: Lần xuất bản này chỉ được coi như “phiên bản thử nghiệm”. Tác giả và NXB Công an Nhân dân sẽ mời cựu chiến binh trong Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và bạn đọc cả nước cùng sưu tầm và “góp cổ phần” ảnh tư liệu chiến trường Quảng Trị với Nguyễn Minh Vỹ; với hy vọng, cuốn sách sẽ có thêm hàng trăm trang nữa. Dự kiến, phiên bản chính thức của “Phút giây đáng nhớ” sẽ ra mắt bạn đọc tháng 12 năm nay, tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị.

Anh Minh
Tự hào “Lá cờ độc lập” trong ngày lễ lớn của dân tộc
Tự hào “Lá cờ độc lập” trong ngày lễ lớn của dân tộc

Được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 lúc 20 giờ ngày 30/8, chương trình “Lá cờ độc lập” sẽ là một điểm nhấn trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của Đài THVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN