Mức xử phạt đều là 40 triệu đồng, được cơ quan quản lý văn hóa Thủ đô khẳng định là mức cao nhất cho “hành vi vi phạm quảng cáo có nội dung trái truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”!
Xử phạt ngay, mức phạt nặng nhất theo khung; tuy nhiên dư luận xã hội dường như vẫn thấy chưa thực sự thỏa đáng. Bởi lẽ, không chỉ là việc quảng cáo có nội dung trái truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục… mà đây thực sự là hành vi thiếu văn hóa trong kinh doanh, một sự “lạm dụng thân thể phụ nữ trong mục đích thương mại hóa quá mức”. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra, phải chăng chế tài xử phạt ở đây chưa đủ mạnh, chưa đủ nghiêm, nên chỉ vỏn vẹn trong vòng 10 ngày (vụ việc tại siêu thị Trần Anh ngày 28/4 và vụ việc tại Nhà hàng phố Trần Thái Tông ngày 8/5), đã liên tiếp xảy ra hai vụ việc giữa lòng Thủ đô, với những hình ảnh khiến người có văn hóa dù chỉ xem ảnh, cũng cảm thấy không nỡ nhìn.
Theo một nữ Tiến sĩ ngành xã hội học, phân tích dưới góc độ xã hội, chuyện các doanh nghiệp sử dụng phụ nữ và trẻ em tiếp thị không phải là mới mẻ, thậm chí đây là một xu hướng đang phát triển trong thương mại, quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, việc mặc bikini bán hàng, bưng đồ ăn như vừa qua, thì lại là một sự thách thức quan niệm văn hóa truyền thống của Việt Nam về trang phục của phụ nữ và thái độ đối với thân thể phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam vốn được trông đợi là phải ăn mặc kín đáo ở nơi công cộng, thì nay lại sử dụng trang phục tối thiểu để tham gia hoạt động thương mại ở chốn đông người. Cũng theo nữ Tiến sĩ này, nếu nhìn dưới góc độ giới, xu hướng sử dụng hình ảnh phụ nữ để bán hàng đã bị chỉ trích nhiều trong những năm gần đây và thậm chí không được hoan nghênh ngay cả ở những nền văn hóa cởi mở phương Tây, thế mà giờ đây lại liên tục xảy ra tại Việt Nam, thực sự là một hiện tượng đáng báo động!
Ở góc độ một doanh nghiệp, việc siêu thị điện máy cho 5 năm cô gái trẻ trong trang phục bikini “mát mẻ” ra tận khu vực sân gửi xe để tiếp đón khách hàng đến thăm quan, mua sắm sản phẩm; việc nhà hàng ăn uống cho một dàn nhân viên nữ trong trang phục áo tắm đứng phục vụ thực khách, thoải mái đi lại rót bia, bưng đồ ăn cho khách trong ánh mắt tò mò pha lẫn ngại ngùng của nhiều người... quả thật đáng chê trách về văn hóa doanh nghiệp và sẽ không thể được chấp nhận dù chỉ trong giới doanh nghiệp với nhau, chưa nói đến xã hội sẽ càng lên án. Phải chăng những doanh nghiệp này đã “hết chiêu trò” để lôi kéo khách? Phải chăng họ chấp nhận để có lợi nhuận kinh doanh, sẵn sàng đạp lên văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, thậm chí là nhân phẩm của những người phụ nữ; thậm chí chấp nhận chịu hình phạt của các cơ quan chức năng. Dù ở góc độ nào, thì hành động xuống cấp này của văn hóa doanh nghiệp cũng đều phải lên án và không được phép chấp nhận.
Điều đáng lo ngại hơn, trong khi lãnh đạo siêu thị điện máy đã nhanh chóng nhận ra hành vi sai trái của mình và chịu phạt, thì chủ của nhà hàng ăn uống lại kiên quyết không ký vào quyết định xử phạt vì không coi đó là hành vi vi phạm.
Dư luận cùng nhiều người lên tiếng phê phán những cô gái trẻ đã sẵn sàng mạc bikini theo yêu cầu của doanh nghiệp để tiếp thị, rằng phải chăng việc “cởi mở”, ăn mặc hở hang trước mắt mọi người trong một môi trường không an toàn, đã ngày càng trở nên bình thường. Hay phải chăng, vì kiếm sống, họ cũng sẵn sàng làm tất cả, cởi bỏ trang phục, bất chấp sự kín đáo vốn là giá trị của người con gái phương Đông. Ai cũng biết, bikini là một trang phục bình thường, nếu là ở một bãi biển, bể bơi; những cuộc thi sắc đẹp cũng tôn vinh vẻ đẹp hình thể của các người đẹp trong màn trình diễn áo tắm; các hãng thời trang cũng luôn tung ra những bộ sưu tập áo tắm của mình, gây hot mỗi mùa hè. Nhưng dù là 1 bộ trang phục, cũng phải mặc đúng nơi, đúng chỗ, đúng bối cảnh. Cho dù vì lý do gì, cũng không thể chấp nhận việc các cô gái áo tắm hở da thịt, tóc xõa, guốc cao, đi lại phục vụ khách như thời gian qua. Xã hội không chấp nhận, bản thân gia đình, bạn bè những cô gái này cũng khó chấp nhận họ trong hình ảnh như vậy. Thì chính những khách hàng phải chứng kiến họ trong trang phục bikini, cũng không nhiều người thấy đó làm vui, cũng rất nhiều người đã phải lảng ánh mắt đi, ngại ngùng, sượng sùng thay cho họ.
Không thể coi đây là một chuyện nhỏ, bởi khi những việc làm này trở nên phổ biến, khi người ta dám coi nó là việc bình thường; thì có nghĩa là một bộ phận đạo đức xã hội đã cần báo động. Dù là hội nhập, dù là xã hội đã phát triển, hiện đại hơn; nhưng rõ ràng những hành vi này, xét về luật đã không đúng, xét về lý thì không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nếu không muốn nói sẽ làm hỏng và tha hóa đạo đức và nhân cách con người.