Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1981) là cây bút trẻ của báo Vĩnh Phúc, cô đến với văn chương qua cuốn tiểu thuyết này là một sự tình cờ thành hữu duyên khi nhân vật chính trong tác phẩm- Đại tá Phan Mạc Lâm, một người chuyên khai thác tù binh thời chiến lại là cha một người bạn thân của cô. Những câu chuyện về chiến công của ông đã khiến cô phải tò mò tìm hiểu chính nhân vật, tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử cuộc chiến vĩ đại của dân tộc để rồi ấp ủ viết nên cuốn tiểu thuyết “Mảnh giấy bạc”.
"Mảnh giấy bạc" là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Thu Thủy- cây bút trẻ của báo Vĩnh Phúc. |
“Mảnh giấy bạc” là một cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang kể về cuộc chiến bằng máy bay B52 lịch sử và những bí mật đằng sau cuộc chiến thông qua cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tá Phan Mạc Lâm. Với chi tiết mảnh giấy bạc, một kế hoạch hoàn hảo của tình báo Việt Nam đã thành công và làm nên chiến thắng vĩ đại. Cuốn tiểu thuyết chân thực như một trang sử ghi lại những ngày tháng hào hùng ấy.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Mạc Lâm. Chiến tranh đã cướp đi mối tình trong trắng thuở ban đầu của anh, nỗi đau cùng với lòng yêu nước đã khiến anh quyết tâm đi theo con đường cách mạng từ năm 20 tuổi. Kể từ đó, cuộc đời anh gắn với công việc nguy hiểm, đầy gian khổ và sống chết lúc nào không hay. Đó là công việc của một người làm nghề tình báo, chuyên đi khai thác tin tức từ tù, hàng binh để tìm hiểu cách đánh của địch và tìm cách đối phó.
“Mảnh giấy bạc” kể về một trong những chiến công của đơn vị Phan Mạc Lâm- phòng khai thác tù, hàng binh. Dù trải qua nhiều khó khăn, khổ ải, hiểm nguy và những nỗi đau chồng chất nhưng bằng tài trí, các chiến sĩ tình báo quân đội đã dựng thành công một vở kịch để đưa kẻ thù vào thiên la địa võng chiến tranh nhân dân. Bằng chính mảnh giấy chứa tài liệu giả là diệu kế của Bộ Tổng tham mưu đã làm cho cuộc chiến bằng máy bay B52 của Mỹ thất bại thê thảm. Đó là sự thất thế của kẻ mạnh trước một dân tộc nhỏ bé được thể hiện thông qua số phận nữ gián điệp Mary Hương- cô y tá chuyên chăm sóc và đã từng có tình cảm với Mạc Lâm. Cô gái đó dưới cái mác là một y tá nhưng thực chất lại là một tình báo viên của địch, có nhiệm vụ trà trộn vào để khai thác và lấy cắp tài liệu. Mảnh giấy bạc chứa tài liệu giả mà Mary Hương lấy cắp và cứ nghĩ đã mang về được một chiến công đó không những đã làm lộ rõ bộ mặt thật của kẻ phản bội mà còn là chiến lược đánh bại âm mưu của Mỹ trong cuộc chiến trên không khốc liệt.
Những tình tiết ly kỳ, thú vị và tính chân thực của cuốn tiểu thuyết qua lời kể của nhân chứng thực sự sẽ khiến người đọc bị cuốn hút bởi nó làm vỡ lẽ được nhiều điều bí mật đằng sau cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên