Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm: Giá trị vượt thời gian

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vừa được UNESCO vinh danh, công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2012, đã khẳng định những giá trị văn hóa tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị công trình văn hóa đó cho các thế hệ hôm nay và mai sau.



Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La. Đây là trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử.


Tọa lạc trên vùng đất thiêng, chùa Vĩnh Nghiêm nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội tụ giữa sông Thương và sông Lục Nam, tựa lưng vào dãy núi Cô Tiên, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo - đền Kiếp Bạc. Cả 3 vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần. Vì thế suốt nhiều thế kỷ qua, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi để phật tử hành hương về đỉnh Yên Tử huyền thoại.


Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành


Với bề dày lịch sử gần 800 năm, chùa Vĩnh Nghiêm có hệ thống di vật rất đa dạng như: Hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng; Hệ thống hoành phi - câu đối, kho kinh sách nhà Phật mộc bản; hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm… Trong đó, một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá mà hiếm nơi nào trên cả nước còn lưu giữ được, đó là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia với nhiều giá trị tư liệu, lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô giá.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN



"Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.


Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Căn cứ vào bản "Tâm thượng ngư vĩ" của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh... và các sách, luật nhà Phật.


Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị (là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, ít cong vênh), khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván. Các mộc bản có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.


Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư… Ngoài mộc bản kinh, sách, luật chùa Vĩnh Nghiêm còn có một số mộc bản in sớ điệp là loại văn bản chỉ có trong Phật phái Trúc Lâm, các tông phái khác không có loại văn bản này.

Đặc biệt, một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Hiện nay phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xưng khớp và các bệnh về tiêu hóa.


Những bộ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ, tốn kém nhiều công sức và điều đó chứng tỏ những người thợ khắc gỗ Việt Nam phải là người đa năng: giỏi chữ Hán, chữ Nôm; có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường và bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng với trình độ thẩm mỹ rất cao mới có thể tạo ra được các mộc bản xứng đáng là tác phẩm đồ họa trứ danh của mọi thời đại./.


Xuân Tùng

 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Vì sao thắng “trận lượt về”?
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Vì sao thắng “trận lượt về”?

Thất bại ở lần ứng thí đầu tiên, việc Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu theo chương trình Ký ức thế giới đến từ những thay đổi rất cơ bản trong cách tiếp cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN