Giống gà Kỳ Lân khổng lồ. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN |
Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có tất cả 150 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ loài chim màu đỏ có tên là Red Jungle Fowl, và tên khoa học là Gallus gallus.
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện tượng gà bằng đất nung trong di chỉ khảo cổ học Văn Điển (Hà Nội) thuộc văn hoá khảo cổ học Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay khoảng 5.000 năm.
Gà trong đời sống tâm linh
Đối với mọi cư dân thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước trong đó có người dân Việt Nam, con gà (gà trống) là biểu tượng của mặt trời-biểu tượng của thần linh.
Chính vì vậy trong mâm lễ vật cúng tế (ma chay, hiếu, hỉ…) không thể thiếu được con gà sống hoa bẻ cánh bát tiên hoặc đĩa thịt gà bày úp. Theo quan niệm dân gian, cúng gà là biểu thị việc cầu mong điều cát/kiết tường, là cách để liên lạc với tổ tiên.
Gà trong ca dao, tục ngữ Việt Nam
- “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”
- “Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn, mua hành cho tôi”
- “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
- “Hóc xương gà, sa cành khế”.
- “Gà què ăn quẩn cối xay”
- “Con gà tức nhau tiếng gáy”
- “Đầu gà hơn má lợn”
- “Chó liền da, gà liền xương”
- “Bút sa gà chết”
- “Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”
- “Khôn ăn miếng thịt gà/ Tuy rằng ăn ít nhưng mà ngon lâu”
- “Chớ thấy áo rách mà cười/ Cái giống gà nòi, lông nó lơ thơ”
- “Chớp Đông nháy nháy, gà gáy thì mưa”
- “Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn”
- “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”
- “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”…
Gà trong tranh dân gian Việt Nam
Tết Gà, làm sao thiếu được tranh gà! Mà chẳng phải Tết Gà, cứ tết đến thì theo truyền thống là phải có tranh gà treo trong nhà. Tranh gà màu sắc tươi rói-đúng là mầu tết. Hình tượng gà có mặt trong hầu hết các dòng tranh dân gian Việt Nam.
- Gà trong tranh Đông Hồ: Tranh “Đại cát” vẽ gà Trống một mình oai vệ ngẩng cao đầu, mào đỏ thắm, cựa sắc nhọn, ngực ưỡn, đuôi xoè… mang tới điềm lành, đón xuân; Tranh “Vinh hoa” là hình tượng một bé trai bụ bẫm ôm gà trống; Tranh “Gà mẹ-gà con” là một trong những bức tranh đẹp nhất của dòng tranh Đông Hồ. Bức tranh thể hiện tình mẫu tử, gắn bó thân thiết.
- Gà trong tranh Hàng Trống: Gà trống oai phong, che chở, đứng bên khóm mẫu đơn lộng lẫy, mấy chú gà con quanh quẩn bên cạnh, trông dáng một ông chủ quyền thế, trách nhiệm.
- Gà trong tranh Kim Hoàng: Đó là gà trống - Gà Thần và bao giờ cũng có thêm chữ “Thần kê trừ tà”. Ngày tết treo tranh gà trống là để cầu mong an lành, hạnh phúc.
Gà trong trò chơi
Trong dịp Tết đến, xuân về, chọi gà là tục lệ truyền thống giúp vui cho lễ hội. Chọi gà là để thi thố tài năng, nghệ thuật chọn giống, chăm sóc, rèn luyện gà, để phỏng đoán vận hạn, mùa màng xứ sở. Việc tuyển chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện gà đá là cả một quá trình tốn công nhọc sức.
Khi chọn gà phải theo các tiêu chuẩn: Dáng oai vệ, bước đi hơi kiễng, ôm gà lên hai chân cum lại, bộ ức nở, cần khoẻ (cổ to), đùi dài, khoản (chân) ngắn, đầu nhỏ vừa phải, mắt màu hung nhỏ, mi mắt dày, gáy dầy, má bống, thân trường, lỗ van gần phao câu phải khít, vảy mỏng đều, cựa vểnh, ngón chân chắc, ngón thái không có vảy dắt, tiếng gáy âm vang, mào dựng và công ba (có 3 lớp chập vào nhau).
Luyện gà và chăm gà chọi là quá trình công phu. Lúc mới biết gáy phải cắt tai, gáy gần thoát tiếng phải cắt lông ngực, lông đùi. Vỡ tiếng rồi thì cho đi vần hơi, quen rồi thì cho đi vần đòn; sau mỗi lần vần về phải lấy lá tre, vỏ cây gạo, bã chè, lá thì-bi, nghệ muối…. đun sôi lên thành thứ nước bóp cho gà tan đòn.
Gà đá có thể phân loại: Thần kê (gà có vảy án thiên, suốt một đời không bao giờ thua trận); sư kê (gà có vảy phủ địa, đứng sau loại án thiên); linh kê (tức là gà tử mị, lúc ngủ nằm ngay cổ, sải cánh, duỗi thẳng chân tựa một con gà đã chết); dũng kê (là loại gà chân xanh, mắt ếch, vảy hảy hai hàng trơn, vào trận chiến đấu đến cùng).
Nuôi quân ba năm, một giờ xung trận - đó là chọi gà. Đấu trường của các “Thân kê” chỉ cần một bãi đất nhỏ, rộng chừng dăm bảy mét vuông, vẽ một vòng tròn làm sới, hoặc cắm cọc chăng dây, hoặc quây cót hay dùng vải thô căng cao. Thời gian của một hiệp đấu (một hồ) chừng 15-20 phút.
Số lượng “hồ đấu” phụ thuộc vào chủ gà. Thời gian nghỉ giữa hai hồ khoảng 10-15 phút, là lúc để gà được phục hồi sức lực. Chỉ thế thôi, nhưng chọi gà khiến cho người xem cũng như chủ gà quên ăn quên ngủ đến mê mẩn cả người.