Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được ghi danh lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 8 - 10/4 (tức mồng 4 - 6/3 âm lịch), tại khu vực đền Nội làng Bình Đà thờ Đức thánh tổ Lạc Long Quân và đền Ngoại thờ Linh Lang Đại Vương.
Là một trong những ngôi đền cổ nhất Việt Nam, đền Nội Bình Đà có cổ vật quý là phù điêu trên 1.000 năm tuổi độc nhất vô nhị tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân. Bức phù điêu có niên đại từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2015.
Giá tượng được chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ sơn son thếp vàng, miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền, tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương. Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt” với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, mình khoác long bào, vóc dáng bệ vệ, oai phong.
Ba tầng trên cùng là biểu tượng của nhà nước sơ khai song vẫn có đủ triều thần văn quan võ tướng mang ý nghĩa về sự phát triển từ Lạc Long Quân đến thời Hùng Vương thứ nhất. Ngoài giá trị lịch sử, độc bản, nghệ thuật bức giá còn thể hiện rõ tư tưởng tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa dân gian giúp mọi người nhớ về nguồn cội dân tộc. Bức giá tượng được trùng tu nhiều lần song vẫn giữ nguyên các giá trị gốc.
Theo lệ xưa, lễ hội đền Bình Đà bao giờ cũng kết thúc vào đầu tháng 3 âm lịch. Tiếp đó, vào dịp lễ hội đền Hùng hàng năm đều có đoàn Thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Cụ Nguyễn Doãng Bang, thành viên Ban tổ chức lễ hội Bình Đà, chia sẻ: “Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc biệt bởi là nơi duy nhất có lễ hội thờ đức Quốc tổ, thờ bánh trôi mang ý nghĩa 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Từ niềm tự hào về lễ hội truyền thống, người dân Bình Đà mong muốn anh em đồng bào được an lành, hạnh phúc, trên dưới một lòng; cả đất nước được đoàn viên, hòa thuận bảo vệ giang sơn, xây dựng cơ nghiệp như ông cha ta thủa trước”.