Ngắm ký họa kháng chiến miền Nam, hiểu thêm về lịch sử dân tộc

Nghệ thuật đối với những họa sỹ - chiến sỹ đã trở thành vũ khí sắc bén, hữu hiệu để khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân, dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt. Hàng ngàn ký họa ra đời đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

70 tác phẩm ký họa trưng bày trong triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” là những trang “nhật ký bằng tranh” về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Nam bộ được các họa sỹ chiến trường “kể” lại qua những nét vẽ sinh động, chân thực, phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”. Ảnh: P.H

Ký họa kể chuyện lịch sử

Trong những ngày cả nước sôi nổi với các hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), nhiều người đã tìm đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để được ngắm trực tiếp những ký họa được các họa sỹ - chiến sỹ sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, những tác phẩm được ví như các “trang nhật ký chiến trường” của các họa sỹ về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của quân và dân Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong số đó, có những ký họa đã ghi lại thực tế hoàn cảnh chiến đấu của quân và dân miền Nam đương thời, ghi lại những sự kiện lịch sử, những giây phút chiến đấu kiên cường của quân dân miền Nam như: “Du kích An Tịnh đang chống càn” của họa sỹ Cổ Tấn Long Châu; “Truy kích địch trên lộ 4” của họa sỹ Nhất Tâm; “Vượt sông đêm”, hay những hình ảnh trong “Trận Bình Giã 1965” của họa sỹ Huỳnh Phương Đông; “Sẵn sàng khi địch đến” của họa sỹ Phạm Quyết Chiến; “Bám giặc” của họa sỹ Trương Hồng Thanh; “Du kích Cai Lậy dùng cối tự tạo”, “Chuẩn bị chống càn” của họa sỹ Huỳnh Quốc Trọng…  

Một số ký họa ghi lại hình ảnh về con người, cuộc sống, cảnh sinh hoạt ở căn cứ…   của quân dân miền Nam trong những năm kháng chiến như “Tương trợ anh chị nuôi” của họa sỹ Hà Quang Bửu, “Đêm dưới hầm” của họa sỹ Lê Hồng Hải, “Thiếu niên An Tịnh vót chông chống Mỹ” của Cổ Tấn Long Châu…

Nhiều tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này là chân dung những anh hùng, những người chiến sỹ cách mạng, những con người ở hậu phương đã chung tay chiến đấu với miền Nam như ký họa “Bà Nguyễn Thị Định”, “Chị Quyên” của họa sỹ Lê Lam; “Bé Súng – Đ/c Võ Văn Bé chiến sỹ biệt động Sài Gòn 19”, “Anh Phạm Văn Sáu” của họa sỹ Huỳnh Phương Đông…  

Trong trưng bày “Ký họa kháng chiến miền Nam” có những ký họa màu sắc phai nhạt, những tờ ký họa rách góc và có cả những ký họa tận dụng mặt sau của tờ áp phích, tờ báo để vẽ… nhưng tất cả được tạo ra trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, các họa sỹ đã sử dụng chất liệu như màu nước, bột màu, bút sắt, chì… để ghi lại “trang nhật ký chiến trường” đầy cảm xúc và có giá trị lịch sử. 

Điều đặc biệt ý nghĩa, gây ấn tượng với công chúng là nhiều nhân vật trong các ký họa trưng bày lần này đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước như họa sỹ - liệt sỹ Huỳnh Quốc Trọng (người có 4 tác phẩm ký họa trưng bày tại triển lãm), liệt sỹ Võ Thị Tuyết, Phan Văn Sáu, Nguyễn Thị Hoà, Võ Văn Bé, Lê Văn Công...  

Xúc động khi ngắm các tác phẩm ký hoạ tại triển lãm, hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm gợi nhớ lại những năm tháng kháng chiến gian khổ của đất nước. Các họa sỹ đã mang lại cho chúng ta những trang sử quý bằng tranh. Những tác phẩm này, có khi đã đánh đổi bằng cả những sự hy sinh của các hoạ sỹ - chiến sỹ ở trên chiến trường.

“Tôi cho rằng đây là triển lãm vô cùng ý nghĩa, nhất là khi chúng ta đang trong những ngày kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi hy vọng, những đóng góp thầm lặng của các hoạ sỹ trên chiến trường sẽ còn mãi trong những tình cảm yêu quý của các thế hệ…”, hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn nói.

Họa sỹ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 70 bức ký họa trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này được chọn lọc từ 4.000 bức ký họa được sáng tác trong giai đoạn 1954-1975. Đây đều là bản gốc được các họa sỹ vẽ ngay tại chiến trường. Trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn họa cụ, người nghệ sỹ trên chiến trường không đơn giản chỉ là sáng tác, cầm cọ, cầm bút mà còn phải cầm súng, phải chiến đấu, người họa sỹ - chiến sỹ đã chọn cách tranh thủ từng giây, từng phút, ghi lại thật nhanh trang nhật ký chiến trường bằng ký họa.

Theo hoạ sỹ Trần Thanh Bình, hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được bộ sưu tập ký họa kháng chiến tương đối đầy đủ, đặc sắc, phản ánh phần nào đặc trưng của nền hội họa cách mạng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Việc xây dựng và định hình chiến lược sưu tầm dựa trên nền tảng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của ký họa kháng chiến, bởi đó không chỉ là xương máu, tâm huyết, là những tư liệu bằng nét vẽ thực tế con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của dân tộc. Bên cạnh việc phản ánh thực tế một giai đoạn lịch sử, ký họa kháng chiến còn là minh chứng cụ thể về sự đúng đắn trong đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng.

Những trang sử quý bằng tranh

Ký họa kháng chiến là một trong những thể loại ký họa đặc biệt, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước; xuất phát từ việc ghi nhận những hình ảnh, sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người khởi đầu và đặt những nét bút đầu tiên cho loại hình ký họa kháng chiến là họa sỹ Tô Ngọc Vân, những nét bút đầu tiên của ông đã xác định lộ trình dài xuyên qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cho đến nay, ký họa vẫn là một loại hình nghệ thuật chưa hề cũ, bởi đây là loại hình tác nghiệp nhanh nhất, ghi lại những khoảnh khắc người nghệ sỹ phát hiện ra vẻ đẹp của người chiến sỹ. Đây cũng là loại hình tạo ra nền cốt đầu tiên cho những tác phẩm lớn của các nghệ sỹ, bởi từ những ghi chép nho nhỏ đó sẽ là những gợi ý để các họa sỹ có ý tưởng và xây dựng hình tượng cho những tác phẩm sau này của chính họ.

Giai đoạn từ 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt, miền Nam phải đương đầu với những âm mưu chính trị, quân sự của đế quốc Mỹ. Nhiều họa sỹ không đứng ngoài cuộc chiến, họ đã vào chiến trường miền Nam hòa mình vào cuộc chiến bảo vệ đất nước. Đó là những người con xa quê hương nay muốn trở về như các họa sỹ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Thanh Châu, Lê Hồng Hải, Hà Quang (Nguyễn Quang Bửu), Huỳnh Quốc Trọng... Một số sinh viên mỹ thuật tại Sài Gòn sớm giác ngộ cách mạng, theo phong trào thanh niên ra bưng biền cầm súng trực tiếp chống Mỹ như các họa sỹ Trang Phượng, Cổ Tấn Long Châu... Trong số đó, có những nghệ sỹ được đào tạo từ Trường Mỹ thuật Hà Nội, hoặc được đào tạo từ nước ngoài trở về như Thái Hà, Lê Lam, Phạm Đỗ Đồng, Trịnh Dũng... tất cả đều sẵn sàng ra chiến trường để góp sức vào cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc.

Vào giai đoạn đầu, các họa sỹ vẽ ký họa chưa nhiều. Nhưng cuộc chiến càng khốc liệt, những mất mát, thương đau càng nhiều, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc... nhận thức được sứ mệnh của lịch sử trong trọng trách của người họa sỹ, họ tranh thủ từng phút từng giờ để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác từng con người, từng sự kiện, quang cảnh của đất nước. Có lẽ, bên cạnh việc ký họa để lưu giữ và xây dựng bố cục cho một số tác phẩm nghệ thuật sau này, thì đây chính là nguồn động lực lớn nhất thúc đẩy sự ra đời của ký họa kháng chiến miền Nam.

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, ký họa kháng chiến miền Nam đã hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền Nam trong thực tế khắc nghiệt của chiến tranh. Nghệ thuật đối với những họa sỹ - chiến sỹ đã trở thành vũ khí sắc bén, hữu hiệu để khắc họa cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trong những năm chiến tranh khốc liệt. Hàng ngàn ký họa ra đời đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Ký họa kháng chiến miền Nam chứa đựng những nội dung vừa bình dị, vừa lớn lao, không mang nặng tính tàn khốc và đối kháng trong chiến tranh, có lẽ đây là điểm khác biệt nổi bật của ký họa chiến trường Việt Nam so với các ký họa chiến trường khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Anh Minh khẳng định, trưng bày không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn khẳng định những thành quả của Mỹ thuật Cách mạng và là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt là ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.

“Triển lãm 'Ký họa kháng chiến miền Nam' là dịp để mỗi chúng ta tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha, ông đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, là là dịp để giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình và lòng tự hào dân tộc. Triển lãm còn là dịp để tri ân người chiến sỹ - họa sỹ đã có công đóng góp sức lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, mang lại thái bình cho đất nước và tôn vinh những người nghệ sỹ đã đóng góp trí lực làm dày thêm trang sử Việt Nam bằng nghệ thuật”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

Phương Lan (TTXVN)
Khai mạc triển lãm chuyên đề 'Ký họa kháng chiến miền Nam'
Khai mạc triển lãm chuyên đề 'Ký họa kháng chiến miền Nam'

Ngày 26/4, lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN