Sôi nổi các hoạt động
Ngày hội sách 2017 khai mạc ngày 20/4/2017, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam thu hút đông đảo người dân tham dự.
Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc ngày hội sách. |
Tham dự Ngày hội sách năm 2017, độc giả còn được giao lưu với nhiều diễn giả nổi tiếng như: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Lẩu, Chủ tịch Hội đồng Dược điển Quốc gia... Ban tổ chức cũng giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu, đạt giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam như “Đường cách mệnh”, “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường”, “Dược thư Quốc gia Việt Nam”, bộ sách văn học thiếu nhi 12 cuốn của nhà văn Vũ Hùng…
Triển lãm tư liệu “Sách - Tri thức và phát triển xã hội” (diễn ra từ ngày 20/4-5/5) giới thiệu các tư liệu về tinh hoa tri thức nhân loại; những nền văn hoá, văn minh thế giới; tri thức và thành tựu về sự phát triển văn hoá xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng của nước ta. Ban tổ chức cũng giới thiệu cuộc thi nhận diện tác giả, tác phẩm tiêu biểu liên quan đến lịch sử, văn hoá, văn học, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới.
Trong khuôn khổ Ngày hội sách, tại Thư viện Quốc gia còn có hội chợ sách (diễn ra từ ngày 20-23/4) trưng bày và giới thiệu hàng ngàn đầu sách có nội dung phong phú, hấp dẫn, như gian hàng của chi hội Thư viện Việt Nam, gian hàng của Công ty cổ phần truyền thông văn hóa Liên Việt…
Trong ngày hội sách 2017, nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật được tổ chức dành cho các em thiếu niên, nhi đồng như cuộc thi vẽ tranh theo sách với chủ đề “Văn minh đô thị”; thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh với chủ đề lịch sử, văn hóa – văn học Việt Nam và thế giới; thi nhận diện tác giả, tác phẩm…
Sôi nổi sân chơi kể chuyện theo sách. |
Chung tay chấn hưng văn hóa đọc Một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn trong Ngày hội sách 2017, tổ chức quyên góp, tiếp nhận sách để hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, những thư viện còn gặp nhiều khó khăn...
Trong ngày hội sách 2017, Hội Thư viện Việt Nam giới thiệu 3 đại biểu, đại diện cho những người đã có nhiều thành tích xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở các vùng khó khăn, vùng nông thôn miền núi, gồm: Đại diện Dự án “Tủ sách Lam Sơn”, ông Nguyễn Quang Thạch với chương trình Sách hóa nông thôn và sư bác Thích Nữ Mai An, chùa Hưng Quốc (Sơn La), với những nỗ lực lập tủ sách cho các em thiếu nhi Sơn La.
Nhóm những người con Thanh Hóa, đang triển khai thực hiện dự án “Tủ sách Lam Sơn”, với mục tiêu khơi gợi và xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc, từ đó hoàn thiện nhân cách và hình thành chí hướng lập thân, lập nghiệp của các em. Đến nay, sau 5 tháng triển khai, Dự án đã tặng 28.000 bản sách, 403 giá sách trị giá hơn 1 tỷ đồng cho 403 lớp học của 34 trường tiểu học ở 3 huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn và Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Theo kế hoạch, dự án sẽ vận động, quyên góp để xây dựng 9.952 tủ sách cho 724 trường tiểu học, trị giá ước tính khoảng 28 tỷ đồng.
Công cuộc chấn hưng văn hóa đọc cần có sự tham dự của cả xã hội. |
Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng Chương trình Sách hóa nông thônn cho biết: Sau gần 10 năm lăn lộn ở cơ sở, kiên trì vận động, chương trình sách hóa nông thôn đã xây dựng được 12.000 tủ sách ở các dòng họ, các lớp học nông thôn thuộc nhiều tỉnh trong cả nước. Với thành tích chấn hưng văn hóa đọc, năm 2016 ông Nguyễn Quang Thạch được tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Y tế (UNESCO) trao tặng Huân chương xóa mù chữ…
Sư bác Thích Nữ Mai An, chùa Hưng Quốc, ở bản Sẳng, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La cho biết, khi chứng kiến nhiều trẻ em dân tộc ở Sơn La khi còn nhỏ đã quen với việc uống rượu, sống trong môi trường có nhiều người nghiện ma túy, nên các em rất dễ bị lôi kéo, sa ngã… nên nhà chùa muốn góp một bàn tay bé nhỏ để đem những tri thức thực sự hữu ích đến với vùng cao. Từ ý tưởng đó, từ tháng 3/2016, nhà chùa cùng với sự ủng hộ của một số phật tử, đã xin và mua sách để làm thành một tủ sách nhỏ cho các em thiếu nhi mượn và đọc sách. Điều đáng mừng là, từ khi có tủ sách, rất nhiều thanh thiếu niên, nhi đồng đã đến thư viện đọc sách và mượn sách. Hiện nhà chùa vẫn tiếp tục vận động, quyên góp sách để xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi vùng cao…
Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho biết, việc xây dựng văn hóa đọc là đích đến của các hoạt động trong ngày sách và cần có cả xã hội tham gia. Những hoạt động của dự án Tủ sách Lam Sơn, chương trình sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, chương trình quyên góp sách của các tăng ni, phật tử chùa Hưng Quốc… là những tấm sáng trong công cuộc chấn hưng văn hóa đọc ở Việt Nam cần được tôn vinh và nhân rộng trong xã hội.