Những ngày này, tại nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của đại văn hào Lỗ Tấn. Nhân dịp này, học giả Tiền Lý Quần, Giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Lỗ Tấn đã có bài trên Tân Kinh báo, nhan đề "Ngày nay vẫn rất cần Lỗ Tấn". Ông viết: “Lỗ Tấn tự định vị mình không phải là một quốc sư hay một đạo sư gì cả, mà chỉ là một cây cầu ở giữa bóng tối và ánh sáng. Vì phản kháng, không dung sự đen tối nên kiên trì đấu tranh triệt để với những cái đen tối. Ông mong bóng tối sẽ bị ánh sáng thay thế và tác phẩm của ông sẽ “tốc hủ”. Nhưng tôi cho rằng, Lỗ Tấn còn chưa thể “tốc hủ” mà vẫn là “bất hủ”. Chúng ta còn phải đọc Lỗ Tấn nhiều. Ngày nay, chúng ta vẫn rất cần Lỗ Tấn”.
Lỗ Tấn, tên thật là Chu Thụ Nhân, tự Dự Tài, sinh ngày 25-9-1881 trong một gia đình nho học tại phủ thành Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang. Cha của ông là Chu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy, đã có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của ông và bút danh Lỗ Tấn là lấy từ họ mẹ.
Sinh ra trong một thời kỳ lịch sử Trung Quốc đầy biến động, Lỗ Tấn sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ để nhìn nhận ra vai trò quan trọng của nhà văn đối với xã hội. Từng là một thầy thuốc, nhưng sau đó Lỗ Tấn đã ngộ ra một chân lý: người thầy thuốc có thể cứu chữa cho con người về thể xác mà không chữa được căn bệnh tinh thần - mà căn bệnh tinh thần của người Trung Hoa trong thời kỳ đó theo ông là rất nan y và rất cần có thuốc. Vì thế, ông đã quyết tâm dùng văn chương như một công cụ góp phần thay đổi xã hội.
Năm 1909, trở về từ Nhật Bản, Lỗ Tấn dạy học và tham gia cách mạng Tân Hợi 1911. Ông đã sớm tỏ ra thất vọng vì, theo ông, cuộc cách mạng chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể. Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông. Năm 1918, Lỗ Tấn viết thiên truyện đầu tay “Nhật ký người điên”, tiếp theo ông viết nhiều truyện ngắn khác, như: "Khổng Ất Kỷ", "Cố hương", "Cầu phúc", đặc biệt là kiệt tác "AQ chính truyện" và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác lên án chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến, chính quyền phản động.
Năm 1920-1925, Lỗ Tẫn làm giáo sư ở Trường đại học Bắc Kinh. Ông lãnh đạo sinh viên, lập các nhóm văn học, làm báo, tạp chí để cổ vũ cách mạng. Lỗ Tấn trở thành lãnh tụ tư tưởng của thanh niên Trung Quốc. Năm 1926, trước sự truy bức của chính quyền phản động, Lỗ Tấn về Hạ Môn, Quảng Châu làm giáo sư Trường đại học Hạ Môn. Từ đây, Lỗ Tấn có quan hệ mật thiết với tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó khi Tưởng Giới Thạch phản bội chủ nghĩa Tôn Trung Sơn, đàn áp đẫm máu giai cấp vô sản, Lỗ Tấn phẫn nộ từ chức giáo sư đại học và dời lên Thượng Hải để tránh sự truy bức của chính quyền phản động và duy trì đường lối văn học vô sản, trở thành người thầy của nền văn học cách mạng mới. Tại đây, Lỗ Tấn tập trung sức lực cho việc tổ chức và lãnh đạo phong trào văn học cách mạng, xuất bản nhiều tạp chí giới thiệu lý luận văn nghệ Mácxít. Trong thời gian này, Lỗ Tấn viết “Chuyện cũ viết lại” và hàng ngàn bài tạp văn nổi tiếng, như: "Giọng Nam điệu Bắc", "Viết tự do", "Viết ở Tô giới", "Văn học viền hoa"...
Không chỉ đóng góp về mặt nội dung, truyện ngắn của Lỗ Tấn còn đem lại sự cách tân đáng kể cho văn học hiện đại Trung Quốc về hình thức. Người đương thời và các thế hệ sau đó đã công nhận Lỗ Tấn là một “thầy thuốc văn chương”, hay một nhà văn cách mạng. Rất nhiều tác phẩm của ông phê phán những thói tật thâm căn cố đế của người Trung Quốc, nhu như nhân vật AQ trong "AQ chính truyện" được coi là hình tượng sinh động đại diện cho quốc tính của người Trung Quốc một thời. AQ đã thoát khỏi tác phẩm để văn đi vào đời thường.
Ngoài việc viết truyện ngắn, tản văn và tiểu luận, Lỗ Tấn còn giảng dạy ở nhiều trường đại học, biên tập nhiều tạp chí và dịch tác phẩm của một số nhà văn nước ngoài. Lỗ Tấn còn đồng sáng lập Hội Nhà văn cánh tả ở Thượng Hải. Ông hoạt động rất tích cực trong trào lưu Văn hóa mới.
Độc giả Việt Nam biết đến Lỗ Tấn thông qua một loạt các tác phẩm như "Gào thét", "Bàng hoàng", "AQ chính truyện", "Cỏ dại", "Thơ Lỗ Tấn", "Chuyện cũ viết lại", "Tạp văn Lỗ Tấn"…
Qua các tác phẩm của Lỗ Tấn, bạn đọc Việt Nam có một cảm giác thật quen thuộc, gần gũi. |
Những vấn đề ông đặt ra trong sáng tác của ông khoảng từ năm 1920 đến 1925 cũng là những vấn đề các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam thời 1936-1940 đặt ra trong các tác phẩm của mình. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật tài tình của ông khiến không ít khi bạn cảm thấy đã gặp con người này ở đâu đó trong xã hội rộng lớn ngoài kia, thậm chí cũng có thể bắt gặp cả những thói tật của chính bản thân mình... Trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm của ông là tuýp nhân vật dưới đáy xã hội, khiến cho chúng ta liên tưởng tới các nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…
Lỗ Tấn không chỉ là nhà văn hóa lớn mà còn là nhà giáo dục lớn. Tư tưởng giáo dục quan trọng nhất của Lỗ Tấn là vấn đề “Lập nhân”- xây dựng đào tạo con người. Lỗ Tấn không có trước tác chuyên bàn về giáo dục, nhưng trong các tác phẩm của ông có rất nhiều ý kiến sâu sắc đã được các nhà nghiên cứu giáo dục sưu tập, hệ thống hóa thành những quan điểm khoa học rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cụ thể và ngày nay vẫn có giá trị hiện thực quan trọng
Lỗ Tấn qua đời ngày 19-10-1936 tại Thượng Hải. Tang lễ ông hết sức trọng thể và phủ trên quan tài ông lá cờ đề ba chữ “Dân tộc hồn” - linh hồn của
dân tộc./.
Phương Dung (tổng hợp)