Đắk Lắk là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên; trong đó, nổi bật nhất là văn hóa cồng chiêng, văn hoá nhà dài vô cùng độc đáo ngày càng thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong, ngoài nước.
* Ngày xuân buôn làng vang tiếng cồng chiêng
Theo các nhà nghiên cứu, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn cổ đại, nền văn minh được biết đến với tư cách là một nền văn hóa trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Cồng chiêng được người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ở Đắk Lắk quan niệm như là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Những bộ Cồng chiêng của mỗi gia đình đồng bào xưa kia còn biểu hiện cho sự giàu có của người dân Tây nguyên.
Cồng, chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Các dàn Cồng chiêng thường gồm nhiều bộ, mỗi bộ có số lượng khác nhau và đảm nhiệm những chức năng riêng trong cuộc hoà tấu. Nhạc cụ Cồng chiêng có nhiều kích cỡ, đường kính từ 20, 50 đến 60 cm, loại cực lớn có đến 90 cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, một bộ có từ 2 đến 13 chiếc, thậm chí có nơi còn sử dụng từ 18 đến 20 chiếc. Trong một bộ chiêng, có chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất.
Các dàn Cồng chiêng không chỉ làm nhiệm vụ điểm nhịp, đi tiết tấu hoặc giai điệu một bè mà còn hòa tấu nhạc đa âm. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có tộc người còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái…Mỗi bài chiêng có rất nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, chiêng có bao nhiêu chiếc thì có bấy nhiêu người đánh.
Các nghệ nhân diễn tấu Cồng chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa. Cách phối hợp âm thanh giữa những chiếc Cồng chiêng để làm thành âm điệu thức là rất đặc biệt. Người Êđê đánh Cồng chiêng theo cách thức từng chùm hợp âm, nối tiếp, người Bana, J’rai đánh theo phong cách chủ điệu (một bè trầm đánh trên là một vài giai điệu)…
Hiện nay, Đắk Lắk có khoảng 3.375 bộ chiêng đủ; trong đó, đồng bào dân tộc Êđê có 2.0 bộ, đồng bào M’nông có 627 bộ… Đặc biệt, có nhiều bộ Cồng chiêng quý được giữ gìn hàng chục đời nay, đã từng có giá trị bằng hàng chục con trâu, bò.
Tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách cho những gia đình, những người gìn giữ chiêng, chỉnh chiêng, đồng thời, mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các lớp trẻ học các kỹ thuật đánh, chỉnh chiêng, góp phần phát triển không gian văn hóa Cồng chiêng. Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 700 đội cồng chiêng, trong đó có 500 đội chiêng trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các buôn làng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng.
Ông Y Duê, Đội trưởng Đội chiêng buôn Kô Siêr (thành phố Buôn Ma Thuột), đội đã từng biểu diễn cho nhiều đoàn khách du lịch, các nhà nghiên cứu và đã từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới cho biết, khách du lịch nước ngoài thích xem chúng tôi biểu diễn Cồng chiêng. Họ bảo, tiếng Cồng chiêng của chúng tôi lạ lắm, nghe như có cả tiếng của núi rừng Tây Nguyên vọng về.
Với việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại từ tháng 11 năm 2005, du lịch Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng lại thêm một yếu tố riêng, độc đáo thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, thêm nhiều nhà nghiên cứu, khám phá văn hóa Tây Nguyên.
Trong vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, buôn làng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng lại tưng bừng, rộn ràng tiếng cồng chiêng trong các ngôi nhà dài hay bên “ngọn lửa thiêng” trong khuôn viên các nhà văn hóa cộng đồng, với những vòng người say sưa múa hát đón mừng xuân mới.
*Nhà dài - kiến trúc độc đáo của đồng bào Êđê
Nhà dài của đồng bào Êđê là một kiến trúc độc đáo của cư dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Chỉ nhìn bề ngoài thôi, cũng đủ thấy ngôi nhà dài như những chiếc thuyền đã một thời lênh đênh trên biển cả đưa tổ tiên của đồng bào Êđê vượt đại dương đi tìm những vùng đất trú ngụ mới.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, nhà dài là nơi sinh sống của một đại gia đình nhiều thế hệ từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như kể khan, hát ru, tiếp khách, xử luật, đánh cồng chiêng, uống rượu cần…
Nhà dài còn là nơi thể hiện vai trò quyền lực của gia đình mẫu hệ về quản lý tài sản, phân công lao động, bảo vệ sự tồn tại của họ mẹ, đồng thời, là nơi tổ chức các nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp theo phong tục của cộng đồng…
Nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê thường được xây dựng theo một tỷ lệ nhất định, xà ngang dài từ 3,2 đến 3,4 mét, cột cao từ 3,6 đến 4 mét, lòng nhà rộng từ 4,5 đến 5,3 mét…Tất cả đều được xây dựng bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng như gỗ, tre, nứa, cỏ tranh…
Nhìn chung, nhà dài trong các buôn làng của đồng bào dân tộc Êđê đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa ra vào và cầu thang lên, xuống thường được mở ở hai đầu hồi, tránh được gió đông Bắc vào mùa khô, giá Tây nam vào mùa mưa. Mái nhà dài nằm cắt ngang đường đi của mặt trời nên tránh được giờ chiếu nắng cao nhất trong ngày.
Nhà dài của đồng bào Êđê thường do một phụ nữ cai quản, phản ánh sự tồn tại và uy quyền của chế độ mẫu hệ. Nhà dài được chia làm các gian, với các chức năng khác nhau như: gian Gar là gian lớn nhất, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách có đặt ghế K’pan, dàn chiêng và đây là nơi tổ chức sinh hoạt gia đình, cộng đồng. Bên trong là gian Ôk, đây là các buồng riêng của từng cặp vợ chồng. Ở mỗi gian Ôk đều có từng bếp lửa và đồ dùng sinh hoạt của từng gia đình nhỏ. Thường mỗi ngôi nhà dài có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng. Trước mỗi ngôi nhà dài đều có cầu thang lên, xuống, cầu thang có 7 bậc được làm bằng loại gỗ tốt.
Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk vẫn còn giữ 608 buôn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó còn trên 2.608 ngôi nhà dài truyền thống. Ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột “cơn lốc” bê tông hoá đang tràn vào từng thôn, xóm, ngõ ngách, nhưng các buôn làng vẫn còn giữ được các ngôi nhà sàn dài nguyên bản. Buôn Kô Dhông, phường Tân Lợi là một trong những điển hình, vẫn còn lưu giữ các ngôi nhà sàn dài độc đáo của đồng bào dân tộc Êđê và đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngày xuân khi đến thăm các buôn làng của đồng bào Êđê, tận mắt chiêm ngưỡng những ngôi nhà dài và tìm hiểu rõ về nhà dài, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn về đời sống văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Quang Huy