Ở tuổi đôi mươi, là người say mê nhiếp ảnh, theo gương người anh ruột của mình là NSNA hàng đầu Đinh Đăng Định, Đinh Quang Thành đã cầm máy sáng tác và có tác phẩm tham dự trong các triển lãm ảnh những năm đầu thủ đô giải phóng. Sau đó, ông tham dự lớp đào tạo phóng viên của TTXVN, từ năm 1962 trở thành phóng viên chuyện nghiệp, gắn bó cả cuộc đời với nghề làm báo.
Ông đã đi khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng đến rẻo cao, từ ruộng đồng đến hầm lò, xưởng máy... Ông có mặt ở tuyến lửa khu Bốn trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt; theo chân các chiến sĩ trong chiến dịch Hồ Chí Minh để có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lịch sử; sang Cam Pu Chia từ những năm đầu đất nước này thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pôt để vừa làm nhiệm vụ phóng viên, vừa tham gia đào tạo các nhà nhiếp ảnh đầu tiên cho thông tấn xã SPK.
Bên cạnh việc nhiệm vụ làm báo, ông còn dành thời gian cho sáng tác ảnh nghệ thuật, là hội viên sáng lập của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; nhiều năm tham gia Ban chấp hành Hội Nhiếp ảnh HN; là giảng viên nhiếp ảnh cho khoa báo chí nhiều trường đại học và các địa phương; 16 năm liên tục là chủ nhiệm câu lạc bộ nhiếp ảnh Hồng Hà của thủ đô. Trong cuộc đời cầm máy của mình, NSNA Đinh Quang Thành đã giành hơn 30 giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, một sự ghi nhận xứng đáng cho tài năng và lao động nghệ thuật bền bỉ của ông.
Nhiếp ảnh là nghệ thuật tìm kiếm và lưu giữ những khoảnh khắc, những lát cắt điển hình trong dòng chảy liên tục của đời sống, khi con người và sự vật bộc lộ những vẻ đẹp sâu xa nhất. NSNA Đinh Quang Thành đã dành cả cuộc đời của mình để khám phá và ghi lại bằng hình ảnh “những khoảnh khắc vàng” của cuộc sống đầy biến động. Và ông đã thành công. Trong các tác phẩm của Đinh Quang Thành, có những khoảnh khắc lịch sử về chiến tranh, về cuộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước mà ông đã có mặt như một nhân chứng: Hình ảnh những người lính xe tăng tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975; các chiến sĩ quân giải phóng hành tiến trên xa lộ, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng... trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; những chiếc cầu phao qua sông và cô thanh niên xung phong trong đêm dẫn đường cho xe vượt trọng điểm trong chiến tranh phá hoại ở miền Trung; cảnh bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 của Mỹ san phẳng trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, năm 1972 ở Hà Nội... Bên cạnh đó, NSNA Đinh Quang Thành cũng có những tác phẩm đẹp, giàu chất thơ về cuộc sống và con người trong hoà bình ở mọi miền đất nước: Ruộng bậc thang ở miền núi phía bắc đẹp như tranh vẽ; thác Bản Giốc yên bình; phiên chợ vùng cao nhiều sắc màu; cuộc sống và con người ở Tây Nguyên hùng vĩ ...
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi có “duyên” với NSNA Đinh Quang Thành khi cùng ông tham gia trong Tổ Mũi Nhọn các phóng viên chiến trường của TTXVN trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Mùa xuân 1975, chúng tôi cùng anh em trong tổ theo sát bước chân thần tốc của các chiến sĩ suốt chiều dài đất nước, từ Huế, qua Đà Nẵng, một loạt các thành phố miền Trung và có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. Cùng nhau chia sẻ mọi hiểm nguy, gian nan vất vả trong những ngày xuân ấy, tôi thêm hiểu hơn về con người nhà báo - nghệ sĩ - chiến sĩ Đinh Quang Thành: Một phóng viên dũng cảm, tài năng, tâm huyết, hết mình vì công việc; một nghệ sĩ nhạy cảm trước những vẻ đẹp của con người và cuộc sống; một người Hà Nội lịch lãm, tài hoa.
Năm nay, NSNA Đinh Quang Thành đã vào tuổi 87. Biết ông hơn nửa thế kỷ, tôi cũng như nhiều bạn bè đồng nghiệp vẫn ngỡ ngàng trước sự năng động, trẻ trung trong phong cách sống và làm việc của ông những ngày này. Ông vẫn đi cùng các đồng nghiệp trẻ đến mọi miền đất nước, vẫn sống với niềm đam mê, sức sáng tạo dồi dào và các dự định mới. Vẻ đẹp của những khoảnh khắc diệu kỳ của cuộc sống vẫn đang vẫy gọi, cuốn hút ông. Và vì thế, chúng ta tiếp tục được hy vọng, mong đợi những sáng tác mới ở NSNA Đinh Quang Thành sau mỗi chuyến đi.
Sau đây là một số tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành: