Sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng thật sự khiến người trong giới và những người hâm mộ ông bàng hoàng. Giờ đây, con phố Hàng Giầy vốn đã từng vắng vì ông quyết định đóng cửa quán bánh trôi tàu nổi tiếng và như một nét văn hóa Hà Nội; lại sẽ càng vắng hơn vì không còn bóng dáng người nghệ sĩ tài hoa ấy nữa.
Phạm Bằng là người Hà Nội gốc, ông sinh năm 1931. Dù không được gia đình ủng hộ, nhưng “máu” kịch đã ăn vào ông và thành duyên nợ cả đời. Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng được tuyển cả hai nơi và ông lựa chọn đoàn văn công Hà Nội.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài, Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục.
Các nghệ sĩ chia sẻ về sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng:
"Đau xót quá" -NSƯT Chí Trung.
"Lại 1 người nghệ sỹ lão làng nũa ra đi, để lại nỗi nhớ thương vô hạn và những vai diễn để đời cho nền nghê thuật Việt Nam, được nhân dân yêu mến và kính trọng! Giữa cái gía lạnh se lòng của gió mùa Đông Bắc năm nay, sẽ chẳng còn được cầm trên tay bát chè bố Bằng nũa rồi..."- Ca sĩ Minh Quân. |
Cuối năm 1974, đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Sau khi "đứng vững" trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn.
Tuy nhiên, phải đến chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, nghệ sĩ Phạm Bằng mới thực sự đến với công chúng một cách sâu rộng. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục trong chương trình này. Năm 2013, Phạm Bằng phải nghỉ một thời gian, trải qua mấy cuộc phẫu thuật nhưng hồi phục nhanh. Khi có sức khỏe, ông lại phăm phăm tham gia các bộ phim truyền hình, với nhiệt huyết của người yêu nghề tới cháy bỏng.
Năm 1993, Phạm Bằng được phong NSƯT, và đến khi qua đời, ông vẫn chưa là NSND, tuy nhiên, trong lòng của công chúng, ông đã thực sự là một nghệ sĩ của nhân dân! Điều ấy, mới quan trọng!