NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến bởi các vai diễn trong các tác phẩm hài kịch, chính kịch và trên màn ảnh nhỏ. Năm 1955, Phạm Bằng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Tưởng rằng cái nghề kỹ sư cầu đường sẽ gắn bó với ông suốt đời, vậy mà Phạm Bằng lại đột ngột rẽ sang một ngạch khác, hoàn toàn xa lạ với ngành giao thông.
| Dù đã ra đi nhưng những đóng góp của nghệ sỹ Phạm Bằng cho nền nghệ thuật nước nhà chắc chắn sẽ còn mãi. Ảnh: Internet |
Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở "Vũ Như Tô" nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng được tuyển cả hai nơi.
Khác với một số người bạn của mình trở thành sinh viên trường Sân khấu, Phạm Bằng lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội, bởi theo ông: "Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí, Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm".
Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc. Đến năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn.
Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương và Giáo sư Đình Quang là người phát hiện ra khả năng đóng vai hài của ông. còn thầy Trần Hoạt thì nhận xét: "Tương lai cậu đóng vai hài giỏi. Khiếu hài là khiếu trời cho, không thể mở lớp diễn viên hài, nhưng các diễn viên hài phải có trình độ văn hóa cao, sâu và tư duy vững".
Nhắc về sự nghiệp diễn xuất của ông người ta vẫn nhớ những vai diễn để đời của ông từ chính kịch đến những vai diễn hài trên các tiểu phẩm của truyền hình. Từ vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được.
Vào những năm 2000, ông nổi tiếng với các vai “sếp đầu hói” trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của VTV3. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói" trong các tiểu phẩm trên truyền hình. Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng.
Trước khi sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm túi mật, viêm gan, NSƯT Phạm Bằng vẫn miệt mài đi diễn bằng xe máy, mải miết trên những con đường nhỏ trên phố phường Hà Nội. Ông cho biết mình say mê làm việc như vậy vì sợ ở không sẽ buồn. Thêm lý do khác đó là khi đi diễn giúp ông khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Người bạn đời ra đi cách đây gần 15 năm và cũng ngần đó năm nghệ sĩ Phạm Bằng sống trong cô quạnh.
Diễn hài, mang tiếng cười cho thiên hạ, Phạm Bằng không đòi hỏi quá nhiều từ khán giả. Ông lấy làm vui vì luôn được người khác yêu mến, kính trọng, thậm chí coi như người thân: "Tôi đi đến chỗ nào người ta cũng rất thoải mái, coi mình như người thân, ngoài ra còn có sự kính trọng. Cái đó làm cho tôi nguôi ngoai rất nhiều phần đời sống riêng tư. Nó còn làm cho tôi yêu đời sống thêm nữa" – Phạm Bằng từng bộc bạch.
Suốt hơn một thập kỷ qua, NSƯT Phạm Bằng đã đóng góp không nhỏ cho nền nghệ thuật nước nhà. Phạm Bằng không còn nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vở kịch, tiểu phẩm. Ông nói, cỡ khoảng trên dưới 300 vai diễn, cả trên sân khấu và truyền hình...
Đồng nghiệp luôn yêu quý và ngưỡng mộ ông, bởi con người vừa say mê với nghề diễn, vừa hiền lành, đức độ, lại là người làm việc cực kỳ nghiêm túc. Thậm chí là diễn viên hài, nhưng bước xuống sân khấu, không bao giờ thấy ông bông phèng, hay trêu đùa theo cách như ở trên sân khấu.
Năm 1993 Phạm Bằng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vì những cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Dù đã ra đi nhưng hình ảnh nghệ sĩ Phạm Bằng với mái đầu hói, nụ cười hiền từ và các vai diễn trong suốt những năm tháng làm nghệ thuật chắc chắn sẽ mãi được lưu giữ trong trái tim người hâm mộ.