Số phận của hòn đá với những hình vẽ khó hiểu, mà lâu nay dư luận gọi là “hòn đá lạ” đặt tại Đền Thượng thuộc Di tích Đền Hùng cuối cùng đã được định đoạt. Theo công văn mới nhất vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi UBND tỉnh Phú Thọ, thì hòn đá lạ không thuộc danh mục hiện vật và nội dung tu bổ Đền Thượng đã được Bộ này phê duyệt. Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo cơ quan chức năng đưa hòn đá ra khỏi Đền Hùng và rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di tích...
"Hòn đá lạ" sẽ được đưa ra khỏi Đền Hùng.
|
Trước đó, trong dịp lễ hội Đền Hùng 2013, nhiều du khách phát hiện hòn đá lạ có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu được đặt ở Đền Thượng, trung tâm của Đền Hùng. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ giải thích rằng, hòn đá nói trên không phải lạ, mà đã được đặt ở đền từ năm 2009. Vào thời điểm đó, đã có ý kiến cho rằng, hòn đá trên không phải yếu tố gốc của di tích, do vậy không thể đặt vào nơi linh thiêng của Đền Hùng. Nhưng không hiểu sao, hòn đá ấy đã nằm chình ình ở Đền Thượng và phải chờ khi dư luận lên tiếng thì số phận của nó mới được cơ quan có trách nhiệm đưa lên bàn nghị sự.
Giải thích về những nghi ngại liệu có âm mưu phá hoại từ bên ngoài? Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng: Hòn đá không phải do người nước ngoài đặt, mà do những người có trách nhiệm với khu di tích thời điểm đó quyết định. Ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết thêm, gọi là hòn đá lạ vì trên đó có nhiều hình vẽ lạ, chữ viết lạ, thậm chí có người còn cho rằng đây là bùa trấn yểm. Nhưng chuyện bùa chú không phải là nghi án. Bởi theo ông Khôi, việc đặt bùa này do người trong nước làm, với mong muốn là làm điều tốt cho Đền Hùng.
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm cũng thừa nhận rằng, việc tốt lành đâu chưa biết, chỉ biết rằng sự nguyên vẹn của di tích Đền Hùng đã bị xâm hại và đã gây dư luận xấu đối với công tác quản lý di sản. Một số chuyên gia thuộc lĩnh vực di sản cho rằng, hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức. Tuy nhiên, các chi tiết chưa được biết có thể phản lại ý nghĩa trên. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ không được làm gì biến dạng di tích. Hòn đá lạ này - theo ông đã làm tính chất của di tích khác đi. Vấn đề cần được làm rõ là ai cho phép đưa vật lạ vào di tích, nếu cho phép thì dựa trên cơ sở pháp lý nào, cơ sở khoa học nào? Ông đề nghị cần phải di dời hòn đá ra khỏi khu vực Đền Hùng càng sớm càng tốt để tránh những tác dụng xấu tới khu di tích linh thiêng này.
Có thể nói, việc đưa hòn đá lạ vào di tích Đền Hùng đã không được dư luận xã hội đồng tình. Qua sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi về năng lực quản lý di tích của chính quyền địa phương.
Yến Nhi