Theo truyền thuyết, xưa kia làng Ngọc Trì gặp hạn hán, làng có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước, bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song. Khi hai bên giằng co, sợ nước đổ nên họ cùng ngồi xuống đất ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại hoàn cảnh ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng với mong muốn cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.
Các mạn (xóm) dâng lễ vật lên đức Thánh. |
Trước mùa lễ hội, người dân làng Ngọc Trì đã tuyển chọn những "giai kéo co" để tham gia nghi thức này. Giai kéo co độ tuổi từ 18-35, là trai đinh, nhất thiết phải có gốc ở làng (ít nhất sống tại làng từ 5 đời). Trai làm rể của làng không được tham gia.
Các “giai kéo co” thành kính cầu khấn. |
Các đội tham gia kéo co được chia thành ba mạn, gồm mạn Đường, mạn Đìa và mạn Chợ. Người chỉ huy mỗi đội kéo co gọi là Tổng cờ.
Đến ngày hội làng, các mạn dâng lễ vật lên đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn, hoa quả. Cây song dùng để kéo co cũng được mang ra trình Thánh. Trước ban thờ đức Thánh, các Tổng cờ đại diện lên bốc thăm chọn đội thi đấu.
Cây song dùng để kéo co dâng lễ thánh. |
Ngày 2/12/2015, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam (trong đó có kéo co ngồi Ngọc Trì), vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng Việt Nam còn có các nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines cũng được đưa môn kéo co vào danh sách di sản. |
Sau nghi lễ trình đức Thánh, các đội truyền tay nhau cây song, cùng đi ra bãi đất trống đã được chọn sẵn để thực hiện nghi thức kéo co ngồi.
Trước khi kéo, dây song được luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất. Giai kéo co hai đội ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo. Đội hình từng phe lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người quay mặt bên kia của dây. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách của tay co. Sau khi có hiệu lệnh, hai bên bắt đầu kéo.
Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ của nhân dân, những “giai kéo co” ra sức thể hiện sức mạnh.
Theo quan niệm của người dân trong làng, năm nào mạn Đường thắng thì năm đó người dân trong thôn sẽ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Có lẽ vì niềm tin ấy, mà hầu như năm nào mạn Đường cũng thắng, mang lại niềm vui, không khí phấn khởi và một sức sống mới cho cộng đồng.
Các đội trưởng bốc thăm chọn đội thi đấu. |
Giai kéo co truyền tay nhau cây song ra nơi thi đấu. |
Xoa bột vào tay trước khi thi đấu cho khỏi trơn. |
Các cụ già trong làng dự lễ hội. |
Người dân nô nức xem hội. |
Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng hò reo cổ vũ của dân làng, những “giai kéo co” ra sức thể hiện sức mạnh. |
Niềm vui của người chiến thắng. |