Nhìn vào con số cát sê một đêm của ca sĩ, nhiều người lao động làm công ăn lương thảng thốt: “Bằng cả một năm lương của mình chứ chả ít”. Cũng không ít người bức xúc: “Sao lại có thứ giá trên trời như thế”!
“Tôi phải chi đủ thứ”
Đó là tâm sự của ca sĩ T.D, một trong những ca sĩ đang thuộc hàng sao. Ca sĩ này cho biết, để lên sân khấu, anh phải đầu tư một sê ri trang phục cho phù hợp. “Lần nào đi nước ngoài T.D cũng mua thời trang hàng hiệu, đơn giản vì ca sĩ cũng muốn mình phải thật đẹp trên sân khấu. Khoản phục trang này cũng đã chiếm kha khá tiền của ca sĩ rồi”, một người bạn thân thiết của T.D cho biết.
Có vô số lý do đẩy giá cát sê ca sĩ cao ngất ngưởng. |
Thường thì ca sĩ rất ít “mặc lại” những trang phục của mình trên sân khấu. Ngoài ra, trang phục cũng lại là yếu tố tạo nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn cho ca sĩ, tạo nên hiệu ứng “fan”, vậy nên thường mỗi bộ trang phục, dù có đôi khi được đầu tư hàng chục, vài chục triệu đồng cũng chỉ được dùng 1-2 lần.
Bên cạnh đó, như T.D tâm sự, trước khi đi hát lại còn phải đi làm đẹp, trang điểm, làm tóc. “Thường các nam ca sĩ ít tốn khoản này hơn nữ ca sĩ, nhưng không thể nói là không tốn được. Ngoài ra là tiền phương tiện đi lại, rồi tiền cho ê kíp đi cùng phục vụ. Nếu có vũ đoàn thì phải có tiền cho vũ đoàn. Vậy nên nói là vài chục triệu đồng, nhưng ca sĩ cũng phải đầu tư rất nhiều để thu về khoản cát sê đó, và con số thực ca sĩ nhận được cũng không phải là lớn đâu. Vì vậy việc một ca sĩ nói hát với giá 30 triệu đồng một đêm là “hát không” là đúng đó”, một nam ca sĩ khác cho biết. Cũng theo ca sĩ này, nếu ca sĩ mà nhận mức cát sê cao thì có nghĩa là trọn gói cả ăn ở đã ở trong đó rồi, chứ không phải đến hát rồi bỏ túi luôn cả vài chục triệu. “Ví như ca sĩ T.D nếu hát ở Ninh Bình thì cát sê là 40 triệu đồng/đêm nhưng phải tự đi xe của mình. Còn nếu BTC cho xe đưa đón thì cát sê chỉ còn 30 triệu đồng/đêm”, một ca sĩ cho biết.
Theo một nữ bầu sô của Hà Nội, ca sĩ Bằng Kiều nhận mức cát sê 20.000 USD cho chương trình của mình, nhưng đổi lại phải nghỉ diễn 3 tháng ở hải ngoại để về nước tập luyện, chuẩn bị. Còn với những ca sĩ như Mỹ Tâm, Hồng Nhung, thì để có 1 đêm diễn, họ cũng phải chi tiền design âm thanh (thiết kế âm thanh), tiền trang điểm, tiền cho ê kíp đi cùng… trăm thứ tiền. “Đó là chưa kể nếu trong trường hợp nhà tổ chức yêu cầu phối lại ca khúc cho mới thì lại tốn thêm 10 triệu nữa và nếu có yêu cầu thu âm lại ca khúc thì ca sĩ phải chi thêm 20 triệu đồng. Mà điều này nhà tổ chức có quyền yêu cầu và với các chương trình lớn, có mức cát sê cao thì những việc phối lại, thu âm lại gần như là nhất thiết phải làm. Thế nên, trong trường hợp đó thì đúng là ca sĩ cũng chẳng còn bao nhiêu trong khoản tiền cát sê của mình”, nữ bầu sô Hà Nội cho biết.
Theo nữ bầu sô này, mức trung bình nhất một ca sĩ phải chi cho một ca khúc khi lên sân khấu chừng 8-10 triệu đồng (bao gồm tiền tác quyền, tiền hòa âm - phối khí, tiền thu...). Nhưng đó là mức cho một ca khúc “thường thường bậc trung”. Còn nếu đó là sáng tác của nhạc sĩ có tên tuổi thì có ca sĩ đã phải chi đến 2.000 USD (hơn 40 triệu đồng)/bài.
Còn theo một bầu sô khác, với những ca sĩ thành danh, họ thường phải nuôi một người quản lý để làm “thương hiệu” cũng như tìm show cho mình, bởi vậy khoản tiền cát sê này cũng có 1 phần lớn dành cho quản lý. “Trung bình quản lý cho ca sĩ có mức lương là 15 triệu đồng/tháng, bất kể tháng đó có show hay không vẫn phải trả. Còn với những ca sĩ hàng sao như Đàm Vĩnh Hưng, thì mức lương của quản lý lên tới 200 triệu đồng. Chính vì vậy nhiều ca sĩ đã chọn cách lấy luôn người nhà mình làm quản lý để giảm bớt chi phí, nhưng cũng không phải ai cũng có một quản lý “người nhà” thành công như Hồ Quỳnh Hương đâu”, một bầu sô cho biết.
Còn theo một bầu sô khác, thì thường mỗi show, ca sĩ phải cắt khoảng 50% cho quản lý, vừa là chi phí lương, vừa là chi phí để làm truyền thông cho mình. “Rồi lâu lâu lại phải có hoạt động để làm mới mình, nhắc nhở thị trường nhớ tới mình… trăm thứ phải chi chứ không ít”, vẫn bầu sô này cho biết.
Nhưng vẫn cần có ngưỡng
Trên thế giới, chuyện ca sĩ có thể nhận cát sê tới vài trăm ngàn USD cho một liveshow cũng không hiếm có. Tuy nhiên, đó là mức cát sê với một thị trường âm nhạc phát triển và chuyên nghiệp, thậm chí đã tạo dựng được một ngành công nghiệp âm nhạc đủ sức tự nuôi sống mình. Và ở đó, sao có nghĩa là sao, chứ không phải là tình cảnh “lập lờ”, “nổi” chỉ vì công nghệ lăng xê.
Còn ở Việt Nam thì sao? Trên thực tế, chúng ta chưa có một thị trường âm nhạc phát triển, ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam cũng mới đang trong hành trình xây dựng và bởi vậy, việc những ngôi sao thực sự xây dựng được tên tuổi, thương hiệu, thực sự là “vàng mười” để có thể xứng đáng được tôn vinh, được “hưởng” những đặc quyền do giọng ca và tài năng của mình mang lại có lẽ chưa đếm đủ đầu ngón tay. Vậy thì có lý gì mà ca sĩ lại được hưởng một mức cát sê cao ngất ngưởng, vượt xa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần thu nhập của những người lao động bình thường? Chưa kể việc có những ngôi sao nhận tiền chục triệu, thậm chi trăm triệu cho một đêm nhạc, mà trên thực tế ngay cả người trong giới cũng không thể nhìn nhận, đánh giá cao về tài năng và giọng hát được. Sự bất cập có lẽ là ở đây và sự phản ứng của dư luận khá dữ dội về việc cát sê ca sĩ cũng có nguyên nhân từ thực tế này.
Bên cạnh đó, xét đi rồi xét lại, cũng nào có một ai quy định mức cát sê cho ca sĩ, mà đơn thuần chỉ là những ca sĩ, những quản lý, những bầu sô tự đưa ra với nhau, rồi “đi mãi thành đường” mặc định đó là giá của ca sĩ. Ví như một chương trình này có thể trả ca sĩ tới 80 triệu, thì đương nhiên sau đó giá của ca sĩ sẽ lên tới mức này trong các chương trình sau, nếu có thấp hơn thì cũng đi kèm theo các điều kiện khác.
“Việc BTC chương trình chấp nhận những cát sê cao ngất vì khán giả đang có nhu cầu, đó là một trong những nguyên nhân đẩy mặt bằng cát sê lên tới mức "trên trời" như hiện nay. Một đơn vị tổ chức biểu diễn cho biết, có những sự kiện mà đối tác đòi bằng được có ca sĩ A thì mới chi tiền tài trợ, trong khi ca sĩ A rất làm cao, kêu giá "khủng" hoặc đang bận dự án này nọ, mà nhà tổ chức vẫn ráng "đu" theo để làm hài lòng đối tác. Một nguyên nhân khác, đó là sự cạnh tranh của các bầu sô. Đã tổ chức sô ca nhạc, ai cũng muốn chương trình của mình ngon lành, hoành tráng, bán đắt vé. Mà như vậy thì phải mời ca sĩ đang nổi. Khổ nỗi là sao đang nổi thì nhiều bầu săn đón, bởi vậy mới có không ít trường hợp một sao bị hai, ba bầu sô chèo kéo, mời mọc và để chứng tỏ đẳng cấp của mình, bầu nào cũng hét giá lên để kéo sao về mình. Cuối cùng, cátsê bị nâng lên vô tội vạ, còn bầu có được sao cũng méo mặt vì đã lỡ ra cái giá cátsê ấy thì về sau cứ thế mà làm", một người trong giới cho biết.
Ngay sau khi “sự cố” cát sê bung ra trên mặt báo, trên các diễn đàn, có những người trong giới đã đưa ra sáng kiến về việc nên thành lập một tổ chức để đưa ra những quy định về cát sê ca sĩ. Thật đáng buồn khi việc này bây giờ mới được tính tới, trong khi cát sê ca sĩ dường như đã đủ thành “dấu hằn” trên mỗi chương trình nghệ thuật.
Nhóm phóng viên văn hóa
Bài cuối: Cách nào lập lại trật tự cát sê?