Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường là người đã đi khắp bản cùng Mường để gom tìm những di sản của người Mường đang lăn lóc đâu đó trong những nếp nhà ở Hòa Bình. Giấu vợ đi mua cổ vật Hỏi đến ông Bùi Thanh Bình, nhiều người có thể đọc vanh vách những chức vụ được gắn với ông, lý do là: “Người như ông Bình ở xứ này hiếm lắm, quý lắm”. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm bảo tồn phát huy di sản văn hóa Mường, cử nhân văn hóa, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, dân tộc Mường. Trong giới sưu tầm cổ vật, nhiều người phong tặng ông danh hiệu “Vua cổ vật”. Đầu tháng tư này, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường do ông làm giám đốc vừa chính thức đi vào hoạt động.
Ông Bùi Thanh Bình trong một phòng trưng bày. |
Tỉ mẩn chỉ vào từng món đồ, ông Bình tâm sự: “Đây là công sức mấy chục năm đi khắp chốn cùng Mường tìm tòi gom nhặt lại của tôi đấy. Có những món đồ phải đi năm lần bảy lượt mới thuyết phục chủ nhà để mua lại được”.
Bây giờ cuộc sống khá giả, công cuộc bảo vệ di sản người Mường của ông không còn khó khăn như xưa, tuy nhiên mỗi lần nhớ lại mấy chục năm về trước, ông vẫn tự hỏi sao mình có thể liều thế khi vẫn còn là một nhân viên quèn, sống tạm bợ bằng đồng lương công chức và vẫn liều đi săn cổ vật. “Có những lúc con ốm không có tiền mua sữa, mua thuốc cho con. Thế mà khi tôi phải đi vay mượn để mua bằng được những món đồ có nguy cơ bị mất”, ông kể. Đợi cho vợ đi khuất, ông ghé tai tôi nói nhỏ: “Toàn phải giấu vợ đi lùng mua cổ vật đấy. Nhưng cũng không thoát, khi bị vợ phát hiện thì phải nói giá thấp đi cho vợ khỏi xót, ví dụ cái mua tốn 10 thì mình chỉ nói là một thôi”.
Xuất thân là người Mường Động, sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông Bình làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình, kiêm phụ trách mảng văn hóa. Công việc này giúp ông thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài, đồng thời cũng được tiếp xúc với cả bốn vùng Mường lớn: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Cũng qua đây, không ít lần ông đau xót khi thấy những vật báu của người Mường lăn lóc nơi góc nhà xó bếp, hoặc được sử dụng không đúng mục đích, có nguy cơ bị hư hỏng.
Bắt đầu từ năm 1984, ông hạ quyết tâm phải tìm cách bảo tồn những vật báu đó lại. “Cái gì cũng có thể mất đi, nhưng di sản mà mất đi thì con cháu không còn biết lịch sử người Mường như thế nào nữa. Hiện vật không còn thì tục lệ cũng chẳng giữ nổi”, ông nói. Đó cũng là dấu mốc, viên gạch đầu tiên của Bảo tàng Di sản văn hóa Mường ngạo nghễ ngày hôm nay.
Hành trình chưa kết thúcỞ Bảo tàng di sản văn hóa Mường, ngoài các hiện vật, ông Bình còn xây dựng nguyên bản một nhà Lang. Theo ông, việc này ngoài ý nghĩa giúp khách hình dung ra bối cảnh của nhà Lang xưa, ông còn muốn thay đổi nhận thức của nhiều người về những lớp quan Lang trí thức.
Hành trình gom tìm di sản của ông không phải khi nào cũng suôn sẻ. Có những người thấy ông có vẻ quan tâm đến một món đồ nào đó, dù đôi khi nó chỉ là cái bát vỡ bị bỏ quên, hay một cái Chiêng cũ kỹ thì thường hét giá rất cao. Đối với những vật quý ông cũng phải “nghiến răng” bỏ tiền ra mua bằng được. Thế nhưng cũng có những chuyến đi thất bại khiến ông vui mãi.
“Tôi nhớ có một gia đình rao bán một cái Chiêng cổ trong nhà. Đến nơi mới biết đây là vật quý của gia đình nhưng vì ông bố đang ốm không có tiền chữa bệnh nên họ phải bán đi. Thế nhưng, biết ý định đó của con ông bố kia vẫn có gượng dậy nói trong hơi thở yếu ớt: Tao có chết cũng không được bán vật quý của tổ tiên”, ông Bình cho hay. Chuyến đi ấy, dù lặn lội đường xa không mua được vật quý ấy. Hơn nữa, ông còn phải để lại một khoản tiền đủ để ông bố chữa bệnh.
Có lần, ông đến một gia đình mua lại một chiếc tẩu thuốc cổ của Lang Mường xưa. Chủ nhà dứt khoát không bán vì có tay buôn đồ cổ trả giá cao hơn. “Tiền mình không địch được với dân buôn rồi, nên tôi đành kiên nhẫn tỉ tê bảo: Nếu bán cho dân buôn thì biết bao giờ mới nhìn thấy đồ của mình nữa, bán cho tôi tôi đưa về bảo tàng trưng bày thì còn được thấy cơ mà. Nói vậy mà họ bán cho mình thật. Lại còn bán giá rẻ nữa chứ”, ông tâm sự.
Nhưng người ý thức được giá trị vô giá của những vật cổ ấy ở Hòa Bình không có nhiều, nhiều nhà còn dùng như một món đồ sinh hoạt của gia đình. Đối với những trường hợp như vậy, ông lại phải đi mua mới những vật dụng sinh hoạt ấy, bìu ríu lên đổi cho họ mới đem về được.
Trong số hàng ngàn hiện vật cổ của ông hiện nay, có những hiện vật là minh chứng cho một thời vàng son của người dân tộc Mường như dấu vòng tay của một quan Lang hoặc chiếc bình vôi của một người dân nhưng được tráng men và có hình điêu khắc đắp nổi tinh xảo, tẩu thuốc đầu rồng của một người có vai vế xưa kia ở xứ Mường… những hiện vật này có những tay buôn đồ cổ sẵn sàng bỏ ra cả tỷ bạc để mua lại, nhưng chẳng bao giờ nhận được cái gật đầu của ông.
Hơn năm ngàn cổ vật bây giờ đã được bảo quản trong một khuôn viên bảo tàng rộng lớn khang trang, thế nhưng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này dường như vẫn chưa muốn dừng lại hành trình của mình. Bởi ông bảo, vẫn còn rất nhiều hiện vật đang có nguy cơ biến mất đang bị quăng quật đâu đó trong dân gian.