Vấn đề này đã gây xôn xao cộng đồng cổ sinh vật học kể từ khi một tạp chí khoa học năm 2018 cho rằng dấu đất son đỏ được tìm thấy trên mái vòm thạch nhũ của hang động Cueva de Ardales là vết tích của người "anh em họ" đã tuyệt chủng của loài người chúng ta. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác phẩm nghệ thuật này ít nhất có niên đại 64.800 năm và nó được tạo ra ở thời điểm khi con người hiện đại chưa sinh sống trên lục địa.
Đồng tác giả bài viết trên tạp chí PNAS, nhà nghiên cứu Francesco d’Errico tại Đại học Bordeaux, cho biết phát hiện này gây nhiều tranh cãi và nhiều nhà khoa học cho rằng có lẽ dấu đất son đỏ trên là tự nhiên, hệ quả của dòng ôxít sắt.
Tuy nhiên, phân tích mới cho thấy thành phần và vị trí của các vết màu này không phù hợp với các quy trình biến đổi trong tự nhiên. Thay vào đó, chúng được tạo ra thông qua động tác vẩy và thổi.
Hơn nữa, kết cấu của chúng không khớp với các mẫu tự nhiên thu được từ nhiều hang động và điều này càng củng cố cho quan điểm các vết màu trên được tạo ra từ tác động bên ngoài.
Việc xác định niên đại chi tiết hơn cho thấy các vết màu đã được tạo ra ở nhiều thời điểm khác nhau, cách nhau hơn 10.000 năm. Theo nhà nghiên cứu d'Errico, điều này ủng hộ giả thuyết rằng người Neanderthal trong một vài nghìn năm đã có một số lần đánh dấu hang động bằng bột màu.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, các chất màu không phải là "nghệ thuật" theo nghĩa hẹp của từ "mà là kết quả của các hành vi nhằm duy trì ý nghĩa biểu tượng của một không gian”. Sự sáng tạo trong hang động nói trên "đóng một vai trò cơ bản trong các hệ thống mang tính biểu tượng của một số cộng đồng người Neanderthal, "mặc dù ý nghĩa của những biểu tượng đó cho tới nay vẫn còn là điều bí ẩn.