Tuổi xuân, cuộc đời, tình yêu của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã dành trọn cho đất nước, cách mạng và nhân dân. Những sáng tác của ông đi cùng năm tháng và trở thành những bài ca quen thuộc của nhiều thế hệ. Hiện nay, dù đã qua cái tuổi bát thập cổ lai hi, ông vẫn ấp ủ và bận rộn với những sáng tác âm nhạc mới.
60 năm đam mê sáng tác âm nhạc
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho giáo nghèo tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ năm 1946, chàng trai Trần Hữu Pháp đã thoát ly gia đình phục vụ cách mạng. Trong sáu mươi năm sau đó, ông gắn bó với nhiều vùng đất của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp trong Lễ mừng thọ 80 tuổi. |
Từ Thiếu sinh quân, ông về Sở văn hóa thông tin Liên khu V. Đây là nơi ông có sáng tác đầu tay với bài hát Ước mơ xanh. Đến tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc và vào Đoàn thanh niên xung phong Trung ương. Thời kỳ này ông viết cho Đoàn một số tiết mục múa hát như: Hò đắp đường, Mở đường về phía, Bài ca tình nguyện... Sau đó ông được điều về Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và làm công tác biên tập ở báo Tiền Phong, Nhà xuất bản Kim Đồng.
Sau khi học xong khóa sáng tác dành cho các Trưởng đoàn văn công do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách, ông được phân công về Ban biên tập âm nhạc tại Nhà xuất bản Âm nhạc Bộ văn hóa. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông tình nguyện đi thực tế ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh cùng với một số nhạc sĩ Hoàng Vân, Xuân Giao, Phạm Tuyên... Thời gian sau đó, ông được điều về phụ trách âm nhạc tại Đài phát thanh Hà Nội; là một trong những người đầu tiên cùng với một số văn nghệ sĩ như Tô Hoài, Hồ Bắc, Bùi Hạnh Cẩm, nữ thi sĩ Anh Thơ, Phan Thị Thanh Nhàn tham gia thành lập Hội Văn nghệ Hà Nội.
Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông với nhạc sĩ Mai Sao - chỉ huy dàn nhạc giao hưởng đi cùng chuyến xe qua cầu Hiền Lương. Sung sướng vì đất nước được thống nhất và sạch bóng quân thù ông đã tự mình xuống xe đi bộ 18 cây số đến Đông Hà, rồi đón chiếc xe của Nhà máy nước vào Huế. Trên đường vào Huế, vết tích chiến tranh đã để lại nhiều cảm xúc mạnh mẽ và ông đã viết nên bài hát Tiến về Thành Huế. Bài hát này đã được nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, Quý Dương hát và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy. Và vì là một trong những người đầu tiên tiếp thu Đài phát thanh Huế, ông được giao làm trưởng phòng văn nghệ cho đến khi thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên.
Trong dịp ông tham dự Hội nghị âm nhạc quốc tế Mùa xuân Praha 1984, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã sáng tác bài “Mùa xuân Praha” được Đài Phát thanh Praha dàn dựng tức thì. Đến Liên Xô, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp viết bài Còn mãi trong tôi chiều Matxcơva và bài Người về Pari để nhớ đến Bác Hồ khi Người hoạt động ở Pari trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Và trong hàng loạt tác phẩm của Trần Hữu Pháp đã đoạt giải trong nước và quốc tế, bài Hành khúc dưới ngọn cờ hòa bình đã được chọn làm bài ca chính thức của phong trào thiếu niên và nhi đồng quốc tế tại
Bungari.
“Những dòng sông tôi đã đi qua”
Gắn bó nhiều năm với Hà Nội và Huế, nhưng sáng tác của ông không chỉ bó hẹp trong hai địa phương đó. Hầu như đặt chân tới đâu, chiếc “ăng-ten” âm thanh trong lòng ông cũng rung động mãnh liệt. Không tính những bài viết về Hà Nội, Huế và quê hương Bình Định, nhiều tên đất tên làng và nhất là tên sông đã “vào” trong sáng tác của ông. Nào Bến Hải yêu thương, Hoa hồng trên sông Thạch Hãn, Bình minh sông Gianh... rồi Mênh mông sông Hàn, Khát vọng sông Trà, Krông Ana biếc xanh, Tìm em sông Hậu sông Tiền...
Trong một lần “tự bạch”, ông cho biết: “Tuổi thơ của tôi ra đi từ một dòng sông quê hương (Lại Giang) và qua hai cuộc chiến tranh, những dòng sông trên quê hương đã cho tôi nhiều cảm xúc...”. Vậy nên “Tuyển tập ca khúc Trần Hữu Pháp” (Tập I) xuất bản nhân dịp ông tròn 70 tuổi đã mang tên Những dòng sông tôi đã đi qua. Nối tiếp đó, trong năm 2012 vừa qua, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã tổ chức đêm nhạc Trần Hữu Pháp - Những dòng sông tôi đã đi qua tại Huế. Đây là sự tiếp nối “Tuyển tập ca khúc Trần Hữu Pháp” năm 2002 nhưng ở trình độ cao hơn, nghệ thuật hơn và được chắt lọc nhiều hơn.
Từ Quê hương một sắc dừa xanh viết về Bình Định đến Em bé Bảo Ninh và Những dòng sông tôi đã đi qua đều toát lên những nỗi niềm riêng đầy ký ức trong cuộc đời của nhạc sĩ. Và có lẽ, vì đã gần 40 năm sống, công tác ở Huế và có vợ là người Huế nên nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã ưu ái dành tặng cho khách mời trong đêm nhạc nhiều bài hát hay về Huế. Đó là các ca khúc Bài ca từ Huế yêu thương, Huế vấn vương, Nhịp cầu người đã đi qua, Khi tôi xa Huế, Người về cầu ngói Thanh Toàn, Bên dòng sông thơ, Ai về núi Ngự sông Hương…
Đặc biệt ca khúc Dòng sông ai đã đặt tên do nhạc sĩ Trần Hữu Pháp viết vào năm 1982 với những ca từ như “Mùa thu trăng lên trên bến Phu Văn Lâu xưa ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông... Dòng sông hôm nay in bóng sao bay cho ai về mê say câu hò còn vang vọng, ai mơ ai mộng, ai đợi ai chờ...” được đánh giá là bài hát hay nhất về Huế sau năm 1975.
Đã qua chặng đường 80 mùa xuân cùng với 60 năm đam mê âm nhạc, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn âm thầm lặng lẽ để sưu tầm nhạc dân gian để hoàn thành tiếp những tuyển tập ca khúc mới. Đó là bài hát ru Nguồn gốc hô bài chòi của Bình Định quê ông và tập ca khúc Gửi Huế cung đàn.