Nhạc sĩ Cát Vận và 3 ca khúc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đã 40 năm trôi qua, nhưng có lẽ trong lòng nhạc sĩ Cát Vận chưa bao giờ quên thời khắc trưa 30/4/1975. Khi nhận tin chiến thắng, ngay trong giờ phút xúc động đó, ông đã đặt bút sáng tác và chỉ chưa đầy 1 ngày sau, ca khúc “Hát về thành phố tên Vàng” đã ngân vang trên Đài tiếng nói Việt Nam…

Sài Gòn ta đó, bao năm oai hùng,
Đã bao năm ròng anh dũng đấu tranh.
Sáng lên tên Vàng trang sử vinh quang
Việt Nam bao tên núi tên sông
Có tên nào đẹp bằng thành phố tên Vàng,
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh...

Dù chưa một lần đặt chân đến Sài Gòn trước giải phóng, nhưng sống trong khí thế hào hùng, sung sướng của ngày độc lập, hình ảnh thành phố ấy đã trở nên một niềm tự hào của tác giả, có lẽ bởi từ đó, thành phố ấy mang tên Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ Cát Vận.Ảnh: hoinhacsi.org



Như được sống lại quá khứ, Nhạc sĩ Cát Vận xúc động kể: “Lúc đó tôi, đang là nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau khi nghe tin quân ta đã tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975, trong niềm vui bất tận đó, tôi đã viết một ca khúc mừng chiến thắng. Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả hết được, tôi đã quyết định dùng điệu thức âm nhạc Nam Bộ để viết nên bài hát ca ngợi Thành phố mang tên Bác vừa được giải phóng. Dường như có một động lực nào đó khiến tôi hoàn thành bài hát rất nhanh và không khí của buổi thu âm cũng xúc động lạ thường”.

Giờ đây đã ở tuổi 75, có thể lời bài hát lúc nhớ, lúc quên, nhưng những kỷ niệm về lần đầu thu âm bài hát vẫn còn in đậm trong lòng nhạc sĩ Cát Vận. “Hồi đó, không có máy in, ngay khi bài hát vừa viết xong, anh em nghệ sĩ tập trung lại, mỗi người chép tay một bản, người chép nhạc, người chỉ chép lời, các ca sĩ thì đứng ngay ở cửa phòng thu để hát nhẩm. Không khí gấp gáp, sôi động, hào hứng đúng như khí thế của những ngày đầu giải phóng. Dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách và dàn hợp xướng Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, bài hát đã được thu âm nhanh chóng và phát trên đài Tiếng nói Việt Nam ngay ngày hôm sau”.

Cùng với các bài hát ca ngợi chiến thắng thời điểm đó , “Hát về thành phố Vàng” đã gây ấn tượng mạnh và được phổ biến rộng rãi ngay sau khi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rất nhiều thính giả yêu cầu được nghe lại bài hát này. Thời điểm đó, liên tục các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam cũng giới thiệu về bài hát, nhiều đơn vị nghệ thuật đưa bài hát vào các chương trình ca nhạc chào mừng chiến thắng lịch sử… khiến “Hát về thành phố tên Vàng” trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Tuy nhiên, với nhạc sĩ Cát Vận, bản thu âm hợp xướng ca khúc ngay khi ông vừa viết xong vẫn là “ưng ý” nhất, vì nó thể hiện được cái hồn của bài hát, khí thế của thời đại, cùng cảm xúc của những người đương thời, mà sau này dù nhiều ca sĩ trình bày, có thể kỹ thuật giọng tốt hơn, điều kiện thu tốt hơn, vẫn không thể sánh bằng.

“Khí thế chiến đấu, chiến thắng hừng hực “phả” vào từng tác phẩm ra đời ở thời điểm đó. Dường như không ai còn phân biệt hát hay hay không nữa, điều quan trọng nhất là các ca sĩ lúc đó đã cộng hưởng được cuộc sống, cộng hưởng được niềm vui lớn lao của cả dân tộc và hát lên bằng cả trái tim của mình, vì họ thay mặt hàng triệu triệu người để cất lên lời ca ngợi như thế”.

Sài Gòn ta mang tên Bác vinh quang,
Trái tim người người đều rực sáng tên Vàng,
Hồ chí Minh! Hồ Chí Minh!...
Sài Gòn yêu ơi, nhớ mãi trong lòng....

“Trong những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả tấm lòng của đồng bào, chiến sĩ khắp mọi nơi đều hướng về cái đích cuối cùng, đó là giải phóng Sài Gòn. Hồi đó, với nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là quân giải phóng tiến tới thành phố nào thì tập trung sáng tác về thành phố đó. Các nhạc sĩ thường xuyên theo dõi thông tin trên đài, và kịp thời sáng tác để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần quân và dân chiến đấu. Bởi thế có những bài hát còn ra đời trước cả giờ phút chiến thắng”, nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ.

Sống trong khí thế đó, nhạc sĩ Cát Vận cũng hòa mình vào thời đại, ngoài ca khúc “Hát về thành phố tên Vàng”, ông còn có 2 ca khúc, về Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng rất nổi tiếng, đó là ca khúc “Chân dung dũng sĩ” viết ngay những ngày đầu chiến dịch Hồ Chí Minh và bài “Đi dọc Việt Nam” viết ngay sau giải phóng.

Ngay từ, tháng 3/1975, trước sự quyết liệt của chiến dịch Hồ Chí Minh, khởi đầu là quân ta tiến vào giải phóng Tây Nguyên, đã tạo nên cảm hứng để nhạc sĩ Cát Vận cho ra đời bài hát “Chân dung dũng sĩ” trong ngày 11/3, một ngày sau chiến thắng Buôn Mê Thuột. Đó là một trong những bài hát rất nổi tiếng viết về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thế anh đứng dũng sĩ là thế đứng hùng vĩ của những cao nguyên bạt ngàn
Tiếng anh thét là tiếng thét xung trận của cha ông truyền thống anh hùng
Tiếng anh nói ầm vang cồng chiêng của đất quê bao đời bất khuất
Mắt anh đó là nơi sáng nhất cháy rực đốt thiêu quân thù,
Ánh lửa từ Nơ-Tơ -Rang-Lơn
Yêu anh làng buôn, nương rẫy khắc anh vào rặng Trường sơn
Thành thế đứng Tây Nguyên hùng vĩ, thế đứng anh hùng

Giọng điệu bài hát trầm hùng như những bước chân mạnh mẽ vượt dãy Trường Sơn của người chiến sĩ giải phóng. Hình ảnh người chiến sĩ trong bài hát kiên cường, mạnh mẽ như sự hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên nhưng cũng thật gần gũi, ấm áp với tình cảm dân quân mà làng buôn, nương rẫy đã yêu mến khắc tên các anh vào lòng.

Nhạc sĩ Cát Vận kể: “Trong đêm 11/3, tôi viết xong bài hát “Chân dung dũng sĩ”, sáng sớm hôm sau tôi đến gặp NSND Quý Dương nhờ anh hát thử. Lúc đó, anh Quý Dương đang bận dạy hát ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ đi ra ngoài tập. Tôi hát đến đâu anh Quý Dương cầm bản nhạc hát theo đến đó, hai anh em say sưa hát. Có điều ngạc nhiên là khi vừa dừng tiếng hát, ngẩng lên đã thấy bà con đang vây quanh để nghe và vỗ tay hoan hô nhiệt tình”.

Như một động lực, ngay đêm hôm đó, nhạc sĩ Cát Vận đã phối khí cho ca khúc, để sáng hôm sau thu âm và “chỉ thu vài lần là được”. Không chỉ bài hát được đón nhận nhiệt tình ngay khi vừa ra đời, cuốn băng thu ca khúc “Chân dung dũng sĩ” với NSND Quý Dương cho đến bây giờ vẫn được nhiều người đánh giá là cuốn băng nghệ sĩ hát hay nhất, xúc động nhất.

“Sau khi giải phóng, tôi mới có dịp tới thăm Sài Gòn, cảm giác lâng lâng khi vượt qua sông Bến Hải giờ đây đã nối liền 2 bờ khiến tôi xúc động viết nên một bài hát mà tôi tâm đắc, đó là bài "Đi dọc Việt Nam.

Đi dọc Việt Nam, đi suốt thời gian từ đất Tổ tôi đi,
Qua những cánh rừng màu xanh tươi nắng
Gặp đất biển miền Trung cát trắng
Đến những cánh đồng màu mỡ miền Nam,
Đâu đâu cũng biển bạc rừng vàng.

Nếu bài hát “Hát về thành phố tên Vàng” trước đó được nhạc sĩ viết ra hoàn toàn là tất cả những tình cảm và sự hình dung về môt thành phố tên Vàng trong tâm tưởng thì lúc này, thành phố ấy đã hiện ra trước mắt, được ngắm, được thả hồn và chiêm nghiệm, ông đã đặt nó trong bức tranh tươi đẹp của đất nước nay đã “lành lặn” sau cuộc chiến.

Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua, quãng đời sáng tác của người nhạc sĩ đã gặt hái không ít thành quả, nhưng với nhạc sĩ Cát Vận, nhạc sĩ Phạm Tuyên và những người cùng thời, các ca khúc viết về những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, viết về thành phố tên Vàng, về đất nước trong những giây phút huy hoàng ngày độc lập đã thực sự để lại những dấu ấn sâu đậm, không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời và cả sự nghiệp sáng tác của họ.

Tạ Nguyên
Ca khúc Việt Nam 70 năm nhìn lại
Ca khúc Việt Nam 70 năm nhìn lại

Nhìn lại 70 năm âm nhạc Việt Nam, tuy thời chiến là 30 năm và thanh bình cũng đã có tới 40 năm, nhưng cảm hứng hào hùng vẫn là cảm hứng chính trong ca khúc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN