Người Nhật đi săn… hôn nhân

Vấp phải nhiều rào cản về kinh tế và xã hội nên phần đông thanh niên Nhật Bản trong độ tuổi từ 20-40 thổ lộ rằng việc kết hôn, gắn bó bên một người cả đời là rất khó khăn đối với họ.

Các dữ liệu của chính phủ cho thấy vào thời điểm năm 1975, tỷ lệ nam giới và nữ giới trong độ tuổi 30-34 không lập gia đình là 14% và 8%. Sau 3 thập kỷ, con số này đã tăng lên 47% và 32%.

Lớp konkatsu nấu ăn tại quận Osaka. Ảnh: Japan News

Ở Nhật, hôn nhân nhiều khi mang tính nghĩa vụ chứ không chỉ là kết quả của một mối tình lãng mạn. Qua cái thời hôn nhân sắp đặt thì đàn ông Nhật hiện đại lúng túng không biết phải chọn vợ ra sao, nhiều người ngại đi xem mặt do đồng lương của họ chưa đủ để hẹn hò hay trang trải cuộc sống gia đình. Trong khi đó, phụ nữ lại thường đặt ra yêu cầu kinh tế cao với người bạn đời của mình. Đôi lúc công việc bề bộn tới 80 tiếng/tuần cũng khiến họ không còn thời gian và cơ hội để làm quen bạn khác giới. Dần dà, các cô gái có xu hướng tổ chức đám cưới độc thân không chú rể trong khi không ít đàn ông đã 40 tuổi nhưng lại chưa từng quan hệ yêu đương. Hệ lụy của tình trạng người lớn không kết hôn chính là giảm tỷ lệ sinh, gây mất cân bằng cho xã hội đang già hóa của Nhật Bản.

Nhận thấy sự trì trệ nguy hiểm này, năm 2007, giáo sư xã hội học Masahiro Yamada tại trường đại học Chuo ở Tokyo đã cho ra đời cuốn sách “Konkatsu jidai” (Thời đại săn tìm hôn nhân) phản ánh thực trạng có quá nhiều người trẻ nước này chậm trễ và thậm chí không kết hôn. Ông kêu gọi giới trẻ Nhật Bản thoát khỏi lớp vỏ kén đơn độc và chủ động tìm kiếm bạn đời. Cùng với cuốn sách, thuật ngữ konkatsu mang ý nghĩa “săn tìm hôn nhân” đã nhanh chóng trở thành một nỗi ám ảnh của quốc gia này.

Tờ Nhật báo Phố Wall mới đây dẫn lời bà Masako Mori, Bộ trưởng Nội các đặc trách vấn đề tỷ lệ sinh giảm và bình đẳng giới khẳng định: “Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tỷ lệ sinh giảm chính là tỷ lệ kết hôn thấp”. Một khảo sát do Văn phòng Nội các tiến hành năm 2012 cho thấy 70% nam giới và 80% nữ giới trong khoảng 20-30 tuổi khi được hỏi đều thừa nhận mình muốn kết hôn nhưng họ sợ phải đánh đổi nhiều thứ như công việc, thời gian, tiền bạc… Chính phủ đã phải lập ra nhiều kế hoạch để khuyến khích nam, nữ thanh niên làm quen lẫn nhau. Chẳng hạn như chính quyền quận Kagawa chọn ngày đầu tiên của tháng làm “Ngày hội tình yêu” hay quận Mie thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo bàn luận về tầm quan trọng của hôn nhân.

May mắn là sau 8 năm xuất hiện, konkatsu đã trở thành một xu hướng tích cực trong giới trẻ độc thân xứ phù tang. Thay vì chờ đợi ai đó đến với mình, mọi người không còn e ngại khi thừa nhận họ đang nỗ lực tìm kiếm một người bạn đời. Hàng loạt sự kiện konkatsu đã ra đời, trong đó đặc biệt nhất là các lớp học konkatsu với nhiều hoạt động văn hóa thiết thực như việc trò chuyện bằng tiếng Anh, làm đồ gốm, nướng bánh… Những bạn nam nữ độc thân có thể kết bạn và cảm mến nhau thông qua quá trình làm việc nhóm.

Thành lập năm 2009, lớp konkatsu tại quận Nara là nơi các thanh niên đến luyện kỹ năng nói tiếng Anh kết hợp với việc tìm kiếm tình yêu của đời mình. Theo quy định, họ chỉ được nói tiếng Anh, mỗi cuộc hội thoại kéo dài 10 phút và sau đó họ lại tiếp tục trò chuyện với một người bạn khác giới mới. Họ sẽ hỏi thăm nhau những câu hỏi tương tự như “Kỳ nghỉ lễ của bạn thế nào?” , “Bạn thích đám cưới tương lai của mình ra sao?”… Lệ phí gia nhập lớp là 10.000 yen (hơn 1,8 triệu đồng) và học phí hàng tháng là 5.000 yen. Một học viên sẽ “tốt nghiệp” khi người đó tìm được bạn đời tương lai của mình. Theo đại diện của công ty tổ chức, lớp konkatsu này đã giúp 13 cặp đôi “tốt nghiệp” và se duyên cho 6 đôi vợ chồng.

Một nữ học viên 31 tuổi vừa mới tham gia lớp konkatsu tiếng Anh chia sẻ: “Lớp học này giúp tôi hiểu được mọi người nhiều hơn bởi vì nó không hề giống với một buổi tiệc hẹn hò thông thường”. Còn một nam học viên 36 tuổi đã tham gia lớp 3 năm nay lại nói: “Nó rất vui, nhưng tôi muốn đạt kết quả tốt và sớm tốt nghiệp”.

Trong khi đó, lớp konkatsu làm bánh ở quận Osaka thành lập năm 2013 lại là nơi mà nam nữ hiểu hơn về nhau qua quá trình nướng bánh. Các thành viên của lớp học có thể giới thiệu bản thân và chuyện trò thoải mái trong lúc trộn bột, nhào men... Trong số 145 học viên đã có 17 cặp đôi yêu nhau.
So với việc làm quen qua mạng xã hội hay chờ người thân giới thiệu, tham gia lớp konkatsu là hoạt động ít rủi ro hơn cả. Rất nhiều người đã lấy nhau sau thời gian gặp gỡ tại các câu lạc bộ, nơi mà họ cùng chia sẻ sở thích chung.
Hoàng Trang
Tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc
Tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đang tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản khóa 4 năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN