Người Việt trẻ lan tỏa văn hóa truyền thống ra thế giới
Bê bát phở Thìn nóng hổi trên tay, bà Jocelyne Commaret, vị khách tới dự “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023” những ngày đầu tháng 11 đã bày tỏ sự bất ngờ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: “Tôi cảm thấy hương vị rất thơm ngon dù không biết là gia vị gì. Việc các bạn Việt Nam mang phở bò của phố cổ Hà Nội sang Pháp giới thiệu quả là một ý tưởng cực kỳ độc đáo”.
Thoăn thoắt tay chan nước dùng, chêm miếng thịt cho đầy đặn để mời khách tham quan, vợ chồng anh Bùi Chí Thành - truyền nhân đời thứ ba của phở Thìn Bờ Hồ tự hào khẳng định, vị phở trên đất Pháp cũng vẫn là cái hương vị của 70 năm trước (từ quán phở của cụ Bùi Chí Thìn năm 1955).
Đến với không gian văn hóa Việt tại Pháp, anh Bùi Chí Thành đã mang theo công thức nấu phở gia truyền đặc biệt của người Hà Nội với nước dùng không quế, hồi, thảo quả, lan tỏa món ẩm thực trứ danh, hấp dẫn bạn bè quốc tế.
Anh Thành cho hay, với mong muốn giữ được đúng hương vị của phở truyền thống tái, chín, nạm, gầu, đội ngũ phở Thìn đã chuẩn bị rất kỹ, từ khâu chuyển nồi nấu phở và toàn bộ dụng cụ từ Việt Nam. Cùng với đó, 20kg hành, rau mùi thơm, gừng, chanh, ớt loại đặc biệt và thơm ngon nhất được sử dụng hàng ngày tại quán, cũng được gói cẩn thận trong giấy báo, theo đoàn lên máy bay sang Pháp.
500 bát phở Thìn thơm ngon đã được phục vụ thực khách trong “Ngày Việt Nam tại Pháp” vào ngày 8 và 9/11 vừa qua. Một cán bộ Đại sứ quán sau khi thưởng thức, đã chia sẻ đầy xúc động: “Lâu lắm rồi mới thấy quả chanh cốm tươi rói, rau mùi tía thơm lừng mũi”. Một vị khách lớn tuổi người Pháp khác cũng không ngớt lời ngợi khen: “Super, super!” (tạm dịch: Tuyệt vời, tuyệt vời!).
“Bát phở giữa lòng Paris có lẽ cũng không khác với bát phở các bạn quốc tế được ăn tại không gian xưa cũ ở một góc Hồ Gươm. Nhưng được chan những tô phở tái, chín nóng hổi trên nước bạn trong một chương trình lớn là một vinh dự rất lớn dành cho gia đình. Nhiều năm liền, chúng tôi không thực hiện nhượng quyền thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ là vì muốn giữ cả hương vị nguyên bản trong không gian cũ, cái bát, đôi đũa cũ để gửi đến thực khách.
Cái gọi là bí quyết chính là từ sự khắt khe khi truyền nghề của cha, mẹ, sự cẩn trọng trong mọi khâu từ chuẩn bị phần thịt bò, miếng hành, chanh, tỏi, ớt… Rồi cả nước cốt, ninh nấu cũng phải trong thời gian vừa đủ, lượng xương vừa đủ. Ninh chưa đến độ thì chuồi chuội chẳng có vị gì, mà nấu quá lâu sẽ thành mùi nồng và màu nước đen đục. Giữ được những thứ thuần xưa cũ, truyền thống của người Việt cho bạn bè quốc tế thưởng lãm là niềm tự hào của chúng tôi” - anh Bùi Chí Thành chia sẻ.
Cũng là một người Việt trẻ góp mặt trong “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023”, nghệ sĩ trẻ “ôm đàn tranh ra thế giới” Đoàn Minh Tài khát khao đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng quốc tế. Tài tâm sự: “Sau hành trình 7 năm học nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, em dần hiểu học nhạc cụ truyền thống không để phục vụ giải trí mà mang sứ mệnh lan tỏa âm nhạc đến với cộng đồng”.
“Người nước ngoài rất trân quý văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vì vậy, khi tiếp xúc với các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, họ rất thích thú. Khi biểu diễn tại Nam Phi, tất cả mọi người trong khán phòng đều im lặng tuyệt đối và chăm chú lắng nghe các bản nhạc chúng em biểu diễn. Kết thúc phần biểu diễn, từng hàng người xếp hàng dài để được tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống của người Việt. Khi đó, chúng em cũng hào hứng hướng dẫn các bạn gảy lên những nốt cơ bản của các bản nhạc truyền thống “Lý ngựa ô”, “Lý cây bông” - Đoàn Minh Tài nhớ lại.
Để lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Việt, Đoàn Minh Tài đã chọn cách truyền tải âm nhạc truyền thống theo cách thức hiện đại.
“Vì yêu âm nhạc truyền thống, muốn lan tỏa đến các bạn trẻ nhiều hơn, em tự tìm cho mình hướng đi riêng: biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo, bầu, nhị, tỳ bà,… theo hướng hiện đại để gần hơn với giới trẻ. Với cách này, âm nhạc dân tộc trở nên mới mẻ, thu hút khán giả trẻ. Chỉ cần khán giả thích thì một ngày nào đó mình có thể mời họ đến những chương trình âm nhạc chuyên sâu hơn, thuần tiếng đàn dân tộc và lúc đó họ sẽ dần nhận ra vẻ đẹp rất riêng của âm nhạc dân tộc Việt Nam", Tài tâm sự.
Yêu và gìn giữ văn hóa truyền thống theo cách hiện đại
Say mê với văn hóa truyền thống và nỗ lực để lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống này ra nước ngoài đã trở thành lựa chọn của thế hệ trẻ. Nhưng để làm được điều đó, cần những nghiên cứu bài bản của người trẻ và các đơn vị đồng hành.
Để mang tới sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm nay những màn trình diễn áo dài ấn tượng với 20 bộ cổ phục thời Nguyễn được phục dựng chuyên nghiệp, nhóm bạn trẻ đam mê mỹ thuật và trang phục cổ của Công ty cổ phần Vạn Thiên Y đã dành nhiều thời gian tìm hiểu cổ phục, hoa văn mỹ thuật cổ qua tài liệu nghiên cứu, tại các di tích, bảo tàng… cũng như tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật giàu kinh nghiệm.
Đơn cử, chiếc áo Nhật bình sắc đỏ được lấy ý tưởng từ hiện vật Nhật bình của hậu phi thời Nguyễn, đây là trang phục cầu kỳ bậc nhất trong bộ sưu tập.
Theo nhà thiết kế Trần Quốc Anh - Giám đốc sáng tạo của Vạn Thiên Y, toàn bộ áo từ hoa văn chính tới hoa văn phụ, từ cổ áo tới hoa văn chân áo đều được thêu tay theo phương thức thủ công, màu sắc được phối theo mỹ thuật truyền thống. Đi kèm với áo là chiếc khăn vành dây màu xanh lam được vấn tay theo cách vấn đúng chuẩn của các bà hoàng trong cung đình xưa.
“Tiêu chí đầu tiên chọn trang phục của chúng tôi là phải giữ được quy chuẩn liên quan đến văn hóa, lịch sử, bên cạnh đó phải là những hình ảnh dễ nhận biết để mọi người nhận ra ngay đây là trang phục đến từ Việt Nam, của Việt Nam. Và tất nhiên, nó phải đẹp, bắt mắt nữa, như thế sẽ thu hút được nhiều bạn bè quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu về những nét văn hóa Việt xưa”, bà Nguyễn Thị Nga, người sáng lập Công ty Cổ phần Vạn Thiên Y chia sẻ.
Trong quá trình đưa những sản phẩm văn hóa nghệ thuật “căng buồm ra biển lớn”, người Việt trẻ rất cần hệ sinh thái lý tưởng để người Việt tìm ra thế giới. Theo thống kê của Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), sau hơn 10 năm tổ chức, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”, hoạt động văn hóa đối ngoại quan trọng của đất nước đã đến được với 18 nước, nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài. Đây được xem là một sự kiện kết nối lý tưởng giữa những người trẻ đam mê với văn hóa truyền thống và công chúng quốc tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Hoàng Hữu Anh chia sẻ: “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” qua mỗi năm lại để lại dấu ấn sâu đậm hơn trong lòng bạn bè quốc tế và là sự kiện được mong đợi của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong thành công chung tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt Nam, có thể thấy sức trẻ, sức sáng tạo của các “đại sứ văn hóa” trẻ đang góp phần tạo ra những nét kế thừa đầy sinh động, hấp dẫn bạn bè quốc tế”.
Một vài điểm nhấn từ sức hấp dẫn của phở Việt, âm nhạc dân tộc hay sự lan tỏa của cổ phục Việt trên trường quốc tế là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nỗ lực của người Việt trẻ trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn văn hóa Việt cũng như sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong trái tim người trẻ.
“Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2010. Qua các năm, chương trình nhận được sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Với sự chuẩn bị bài bản, các hoạt động chọn lọc, cách thực hiện công phu, chương trình thực sự là nhịp cầu văn hóa thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam với bạn bè quốc tế, cũng như sẽ giới thiệu đến bạn bè quốc tế hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, mến khách, phát triển năng động và giàu truyền thống văn hóa.
Sau thành công tại Nam Phi (diễn ra vào tháng 9 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi) và Pháp (diễn ra vào tháng 11 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp), chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023" sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 30/11 để kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước.