Từ "Cô lái đò" đến "Tiếng đàn bầu"
“Tiếng đàn bầu của ta/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha/ Ngân nga em vẫn hát tích tịch tình tang…”- ca khúc “Tiếng đàn bầu” qua giọng ca mượt mà truyền cảm của các ca sĩ đã chinh phục biết bao tâm hồn người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Bài hát của cố nhạc sĩ - hoạ sĩ Nguyễn Đình Phúc về cây đàn một dây mang linh hồn Việt đã trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của ông và đi vào lòng dân tộc.
Nói đến Nguyễn Đình Phúc (20/8/1919 - 28/5/2001) là nói đến một nghệ sĩ đa tài với rất nhiều tác phẩm được giới nhạc, họa cùng công chúng đánh giá cao.
Yêu nghệ thuật từ nhỏ, thấm nghệ thuật dân gian Việt Nam qua các những lời hát của các gánh xẩm quanh tàu điện, của bài đồng dao của trẻ con xóm phố đến phong cách tài tử của bố, chàng trai Hà Nội gắn lòng mình với lời ca, tiếng hát. Nguyễn Đình Phúc tiếp thu những kiến thức âm nhạc đầu tiên từ một nghệ sĩ già người Nga sống tại Hà Nội tên gọi Sibirev, chơi đàn violoncelle ở một phòng trà trên phố Tràng Tiền. Theo bước Sibirver, Nguyễn Đình Phúc trở thành một nghệ sĩ tự do kiếm sống bằng nghề kéo violoncelle tại một số phòng trà Hà Nội.
Nguyễn Đình Phúc có sáng tác đầu tay “Lệ thu” năm 22 tuổi. Một năm sau đó, chạm tay vào thơ Nguyễn Bính, ngay lập tức ông cảm được tiếng nhạc trong bài thơ "Cô lái đò". Cơ duyên này đã làm nên một ca khúc "Cô lái đò" được giới chuyên môn nhận định là chững chạc trong thủ pháp và là một trong những ca khúc tiêu biểu của giai đoạn mở đầu nền tân nhạc Việt Nam. Với ca từ man mác buồn, lại mang âm hưởng dân gian Bắc Bộ, bài hát cứ lặng lẽ thấm quyện lòng người, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc (bút danh là Nguyễn Thơ, sinh năm 1919 ở huyện Thanh Oai, Hà Nội (Hà Tây cũ). Ông sáng tác âm nhạc từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ban đầu nhờ tự học, sau đó được cử đi tu nghiệp tại Bulgaria. Về nước, ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957). Ông còn là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 2001.
Năm 1946, được truyền cảm hứng từ thế hệ văn nghệ sĩ đàn anh, Nguyễn Đình Phúc lên đường tham gia kháng chiến. Hoàn cảnh trong kháng chiến đã tạo cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác, trong đó đáng chú ý có các bài “Quân tiên phong”, “Chiến sĩ sông Lô”, “Bình ca”… Thời chống Mỹ, ông sáng tác rất nhiều, có thể kể các tác phẩm như “Bô lão chúng ta còn dẻo dai”, “Nhớ anh Giải phóng quân”, “Gởi anh đi đầu quân”, “Những bông hoa cheng-ret”… Mỗi sáng tác đều khẳng định tài năng sáng tạo của một nhạc sĩ - chiến sĩ giàu lòng yêu nước, sử dụng kỹ thuật sáng tác châu Âu, nhưng cũng rất giàu màu sắc dân tộc.
Xuất sắc nhất và là đại diện âm nhạc tiêu biểu nhất của Nguyễn Đình Phúc sau Cách mạng là “Tiếng đàn bầu” (sáng tác năm 1969). Bài hát phổ thơ Lữ Giang, công bố năm 1972 do ca sĩ Kiều Hưng trình bày. Từ một tiếng trầm của đàn bầu vốn xuất hiện tại góc phố trong cảnh mưa phùn gần chợ Đồng Xuân, tiếng “tích tịch tình tang” đã dẫn dắt mạch cảm xúc của nhạc sĩ, trở thành biểu tượng cho cội nguồn văn hoá và sức sống trường tồn của cả dân tộc.
Họa chân dung qua từng xúc cảm
Tài hội họa của Nguyễn Đình Phúc được khẳng định từ rất sớm. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau vì chống lại thầy giáo người Pháp xúc phạm học sinh An Nam mà bị đuổi khỏi trường. Năm 1943, với bức tranh "Chú bé thổi sáo", Nguyễn Đình Phúc giành giải Nhất tại cuộc triển lãm tranh Đông Dương tổ chức ở Hà Nội.
Thế nhưng phải chờ đến khi nghỉ hưu, Nguyễn Đình Phúc mới dành hết tâm lực cho hội họa. Ông vẽ nhiều, đa phần là tranh sơn dầu và giấy dó. Ông thích thú vẽ chân dung các văn nghệ sĩ, những người ông từng gặp và mến trọng về tài năng và nhân cách.
Nói về những tác phẩm vẽ chân dung, Nguyễn Đình Phúc tự nhận là sử dụng lối vẽ thực mà hư, hư mà thực. Nhiều bức ông vẽ bằng trí nhớ, bằng cảm xúc mà ông nhận được khi tiếp xúc. Bởi vậy các bức chân dung của ông như thấp thoáng màn sương của những nét vừa quen vừa lạ, hiện rõ cá tính của từng văn nghệ sĩ nhưng cũng mang mang xúc cảm của người vẽ.
Hình ảnh các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lê Yên…; nhà văn, nhà thơ Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Khải, Tào Mạt, Tú Mỡ…; họa sĩ Mai Văn Hiến, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Kiệm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Linh Chi, Nguyễn Trọng Niết… và các nghệ sĩ Thái Thị Liên, Chu Thúy Quỳnh, Phúc Dĩ, Nguyệt Diệu… hiện lên với những điểm nhấn độc đáo. Bức chân dung danh họa Nguyễn Phan Chánh là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời ông, được ông hoàn thành 2 ngày trước khi mất.
Nhạc sĩ – Hoạ sĩ Nguyễn Đình Phúc mất ngày 28/5/2001, để lại một kho tàng tác phẩm nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực. Không tính các bức tranh đã được đem tặng và theo người yêu tranh của ông về những nẻo xa, hiện gia đình còn lưu giữ gần 500 bức tranh. Ngoài ra, còn 3 tập thơ với hàng trăm bài, hàng chục vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách nghiên cứu và biên dịch. Riêng trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, ông để lại 120 ca khúc thuộc các thể loại khác nhau, 2 vở ca kịch, 2 bản Giao hưởng 3 chương, 2 phiên bản Tổ khúc giao hưởng 6 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng và chuyển soạn cho dàn nhạc dân tộc đương đại, 2 Concertino cho violon, cello với dàn nhạc giao hưởng, 2 Trio, - chưa kể các tiểu phẩm khác cho nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ cổ truyền, cùng nhạc cho phim tài liệu thời sự, phim truyện, phim hoạt hình, nhạc cho kịch, sân khấu cải lương, múa. Cho tới những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng làm thơ, viết nhạc.
Khâm phục sức sáng tạo của ông, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan nhận xét: “Trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, bất cứ ở nơi đâu, ở cương vị nào, Nguyễn Đình Phúc cũng như con ong chăm chỉ, miệt mài đi hút phấn hoa để làm nên mật ngọt cho đời.”
Đêm nhạc cuộc đời
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc (20/8/1919 - 20/8/2019), Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm mang tên “Tiếng đàn bầu” như một lời tri ân người nghệ sĩ tài hoa.
Đêm nhạc ấm áp, sang trọng, tái hiện ký ức về nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc, một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Lần lượt, các sáng tác âm nhạc được thể hiện trên sân khấu, kể câu chuyện về một con người giản dị, đa tài, luôn nhập thế và tận hiến cho nghệ thuật.
Xúc cảm trong đêm nhạc, nhạc sỹ Phó Đức Phương trân trọng nhớ về bậc đàn anh, cũng là thủ trưởng cũ của mình: “Nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc là người mở đường cho tân nhạc Việt Nam, người suốt đời cống hiến cho nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Ở ông là sự chân thực, thẳng thắn và bộc trực. Ông ham mê lao động đến tận cùng, lao động suốt đời. Ông là một tấm gương về lao động nghệ thuật”.
Đêm nhạc kết thúc bằng bài hát “Tiếng đàn bầu” - đỉnh cao của người nghệ sĩ qua giọng ca của ca sĩ Trọng Tấn. “Tiếng đàn bầu” đã cùng Trọng Tấn giành giải Nhất liên hoan tiếng hát truyền hình Toàn quốc năm 1999.
“Với người nghệ sĩ, đặc biệt là ca sĩ thì chỉ mong được gắn tên mình với một, hai tác phẩm nào đó. Với Trọng Tấn, cái duyên đã đến với Tiếng đàn bầu. Và phải nói rằng Tấn luôn khắc ghi ở trong tim, luôn biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc” - ca sĩ Trọng Tấn xúc động tri ân người nhạc sĩ, trước khi, một lần nữa, cất lên“Tiếng đàn bầu”.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn viết lời tựa cho triển lãm “Trăm năm một thoáng” song hành với đêm nhạc Tiếng đàn bầu: “Trăm năm một thoáng, khó cũ một chữ Tình để Lời Du Tử và Chàng Du Tử Nguyễn Đình Phúc mắt vẫn xanh theo mây và hồn nương bên ai nơi bức họa. Đường trần muôn ngả, mở ngàn lối rẽ khúc quanh. Tự nhàn tâm, ông an nhiên đặt bút, thả nét gọi thần dung nhan phúc phận bạn bè văn nghệ, những người ông quý ông yêu trong cõi nhân gian bé xíu của đời sống văn học nghệ thuật đương thời qua những nét tinh tế, bình dị của phẩm cách và tài năng không thể khác…”
Trọng tài, trọng tình là những gì bạn văn, bạn họa nhìn về Nguyễn Đình Phúc. Dành cả cuộc đời để cống hiến hết mình cho nghệ thuật, người nhạc sĩ - họa sĩ nhận đủ trân quý của đời cho tài năng, cho lòng nhân, cho tình yêu cuộc đời ông để lại.