(Đọc “Nguyễn Đức Thọ - Tác phẩm”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2013)Nhà văn Nguyễn Đức Thọ từ trần năm 46 tuổi (1955- 2001). Nếu tính từ bút ký được đăng báo đầu tiên thì đến khi mất vì bạo bệnh, anh đã có gần hai mươi năm cầm bút. Gần hai mươi năm ấy, Nguyễn Đức Thọ đã kịp sáng tác và cho xuất bản 4 tập truyện ngắn (Đêm dưới núi Đá Chồng, Bóng dáng người yêu nhau, Dấu chân tiên, Hồi ức Làng Che), 1 tập bút ký & Chân dung Nhân chứng của thiên nhiên và tiểu thuyết Xứ sở tình yêu.
Ngay từ tác phẩm đầu tiên xuất hiện trên báo, Nguyễn Đức Thọ đã buộc người đọc (và cả cấp lãnh đạo) chú ý bởi vấn đề mà anh phát hiện. Đó là những bất cập trong công tác cán bộ ngành giáo dục ở một huyện kinh tế mới được thành lập sau giải phóng: Trưởng phòng giáo dục huyện trình độ văn hóa lớp sáu bổ túc, phụ trách ngay những ông thầy tốt nghiệp đại học đang dạy bổ túc văn hóa cho mình (bút ký Ở huyện mới, báo Văn nghệ Đồng Nai năm 1984). Sự nghiêm cẩn cần thiết trong môi trường sư phạm bị vi phạm bởi những câu thúc, lúng túng trong mối quan hệ giữa lãnh đạo (học trò) với người bị lãnh đạo (những ông thầy), dẫn đến nhiều chuyện bi hài, cười ra nước mắt... Những ấu trĩ ban đầu rồi cũng qua, nhưng ngay từ bút ký đầu tiên, Nguyễn Đức Thọ đã tạo được dấu ấn của mình. Nhưng chính bút ký này cũng đã khiến Nguyễn Đức Thọ lao đao những ngày ấy.
Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Đức Thọ, Bùi Phương Lan, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, nhà thơ Đàm Chu Văn,... |
Trong cái rủi có cái may, chính vì “sự cố” này mà Nguyễn Đức Thọ chuyển hẳn về Hội Văn Nghệ Đồng Nai chuyên lo sáng tác. Và khi nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Tổng biên tập báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) có chuyến vào Nam công tác ghé thăm Đồng Nai, nhà văn Hoàng Văn Bổn lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Tổng biên tập báo Văn Nghệ Đồng Nai liền giới thiệu với nhà văn Nguyễn Văn Bổng bút ký Ở huyện mới. Ít lâu sau, bút ký đó được đăng trên báo Văn Nghệ đem thêm niềm vui, sự động viên đầu tiên đối với Nguyễn Đức Thọ .
Nguyễn Đức Thọ thử bút ở nhiều thể loại: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và cả thơ. Với thể loại bút ký, anh viết khỏe, xông xáo, sắc sảo trong phát hiện vấn đề. Tác phẩm được bạn đọc chú ý nhiều là bút ký Ông Bảy Rừng Sác - Giải Ba Cuộc thi truyện ngắn và ký Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998 - 1999. Với thể loại truyện ngắn, trong gần 20 năm cầm bút anh đã kịp để lại 4 tập truyện ngắn (đã thống kê ở trên). Cho đến nay, nhắc đến Nguyễn Đức Thọ, người ta vẫn còn nhớ đến một số truyện ngắn đặc sắc của anh, đó là: Hồi ức làng Che - Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Tuổi trẻ, Giải Ba báo Nông nghiệp Việt Nam năm 1989; Nhị độ mai - Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Người Hà Nội năm 1996; và các truyện ngắn khác: Người ở miệt vườn, Ốc mượn hồn, Cây sầu riêng tứ thời, Người cùng làng,... Trong gần 2 tháng đi thực tế ở tỉnh kết nghĩa với Đồng Nai là Công pông Thơm (Campuchia) năm 1985, Nguyễn Đức Thọ cũng chiu chắt được 1 cuốn tiểu thuyết Xứ sở tình yêu.
Xuất bản “Nguyễn Đức Thọ- Tác phẩm” là nghĩa cử, là việc làm hết sức ý nghĩa của Hội Nhà văn Việt Nam, trân trọng những đóng góp của các nhà văn đã khuất. Tập sách đã giới thiệu được những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đức Thọ gồm 15 truyện ngắn, 5 bút ký và toàn bộ tiểu thuyết Xứ sở tình yêu.
Sinh ra ở Nghệ An, lớn lên mặc áo lính, rồi lập nghiệp ở Đồng Nai, hình bóng những con người hai vùng đất Nghệ An - Đồng Nai đã được khắc họa trong những trang văn của Nguyễn Đức Thọ. Anh viết về các bà mẹ Việt Nam anh hùng của miệt vườn Long Thành - Nhơn Trạch, về những nhân vật lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hai Cà - Trần Công An, bác sỹ Nguyễn Văn Hoài - Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa), về ông Bảy Rừng Sác, về các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, về những cán bộ cách mạng, các má, các chị cơ sở cách mạng, về những người nông dân Nam Bộ chân chất, nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước, thắm đượm tình người, những người nông dân quê anh cần cù, quen chịu đựng gian khổ, nhiều lạc quan và cả những con người gặp hoàn cảnh thiệt thòi, cam phận…
Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn viết về Nguyễn Đức Thọ qua nhân vật Thụ: “Văn chương (của Nguyễn Đức Thọ) có mùi lắm. Góc cạnh, ngổ ngáo, đã hình thành phong cách. Viết hùng hục và tôi có cảm giác là cậu ấy có thể làm được mọi cái theo ý muốn... Bạn viết cả nước thích cậu Thụ (Thọ) vì cách sống, vì văn chương. Với cậu ấy, người đọc nhớ chi tiết, nhân vật, đến nhớ cốt truyện, sau cùng mới nhớ tác giả” (Nhớ - Hòang Văn Bổn).
Còn Nguyễn Đức Thọ cũng đã từng ao ước viết được những trang văn nồng ấm, sang trọng, tạo được chân dung tinh thần của một thời. Có thể nói, với những trang văn để lại, Nguyễn Đức Thọ đã phần nào vươn tới được điều đó.
Đàm Chu Văn