Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (ảnh) (1908-1975) quê ở làng Lai Xá, tổng Kim Thừa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhưng ông sinh ra và lớn lên ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Ông là Giáo sư, Tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11/1946) và giữ chức vụ này trong suốt 29 năm, trở thành vị Bộ trưởng Giáo dục lâu nhất nước ta.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cũng là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Một học giả, trí thức yêu nước
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sinh ra trong một gia đình nho học, có nghề bốc thuốc. Cha mất sớm khi ông mới 8 tuổi, mẹ là người phụ nữ tảo tần làm nghề may vá và bán quần áo cũ. Cũng giống như các anh chị em của mình, cậu bé Huyên luôn được mẹ chăm sóc, dạy dỗ và dốc sức cho học hành. Năm 18 tuổi, Nguyễn Văn Huyên và em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne, Pari.
Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Pari với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và luận án phụ "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai luận án này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan... Việc bảo vệ thành công hai luận án này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử của trường Sorbonne có một người Việt Nam đã giành được học vị cao nhất này.
Nhưng khi về nước, với học vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân, mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông dạy môn lịch sử và địa lý tại Trường Bưởi. Sự lựa chọn này theo như gia phả mà gia tộc họ Nguyễn đã ghi “Lấy nghiệp giáo để giúp người” và cũng là chí hướng của ông. Về sau vì cảm thấy bị kìm hãm mất tự do, ông chuyển sang công việc nghiên cứu khoa học và trở thành người Việt Nam duy nhất là ủy viên thường trực của Trường Viễn Đông Bác Cổ, một cơ quan nghiên cứu có uy tín lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Năm 19, ông đã tham gia hoạt động cùng các trí thức yêu nước ở Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, là Ủy viên Ban trị sự của Hội ở Bắc kỳ, cùng với Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn. Ông cùng với nhà sử học Trần Văn Giáp là tác giả của phương pháp “I tờ…” để dạy và học chữ Quốc ngữ. Đây là quyết định có tính bước ngoặt trong cuộc đời ông. Và trong những ngày sôi động của cách mạng, ông cũng đã cùng với Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường, đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
Lòng yêu nước và bản lĩnh của một trí thức đã đưa ông đến với cách mạng ngay từ những ngày đầu tháng Tám lịch sử. Từ đó cho đến khi về thế giới bên kia, ông trung thành với con đường đã chọn và luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, dìu dắt.
Đặt nền móng cho nền giáo dục đại học mới
Ngay sau Cách mạng tháng tám thành công, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng ông từ chối với lý do “thiếu kinh nghiệm”. Nhưng trước sự tin cậy của Bác: “Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân”, cũng là trách nhiệm của người trí thức yêu nước, một học giả uyên thâm trước đất nước và nhân dân, ông đã nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946. Ông đã giữ cương vị này trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời (năm 1975).
Ở cương vị này ông đã không phụ lòng mong mỏi của Bác Hồ, mà thực tế, chí hướng vì một nền giáo dục quốc gia đã được ông đưa ra từ trước đó, trong buổi khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945, trước khi ông nhận nhiệm vụ mới gần một năm, khi ấy ông là Tổng Giám đốc Vụ Đại học kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ.
Tại buổi khai giảng này, ông đã nêu rõ quyết tâm cũng như đưa ra phương sách cụ thể để xây dựng và phát triển giáo dục đại học của nước nhà. “Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã tự gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này”. Lễ khai giảng năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cũng là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Cuốn “Văn minh Việt Nam” với nền tảng dựa trên kết cấu xã hội đặc thù Nhà -Làng - Nước cùng các công trình nghiên cứu về hội Gióng, hội Giá, các ngày Tết lễ, hát giao duyên, tín ngưỡng Tứ bất tử…của ông nhằm khẳng định dân tộc Việt Nam đã gây dựng được một nền văn minh đặc sắc trên thế giới. |
Trong suốt thời gian làm Bộ trưởng, ông đã chú trọng đến toàn bộ vấn đề cơ bản của nền giáo dục như vị trí của nhà trường trong xã hội, hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu đào tạo con người phát triển toàn diện… Ông cũng luôn quan tâm đến nội dung chương trình và sách giáo khoa, các vấn đề giáo dục đại học, phương pháp giáo dục, nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách cho giáo viên.
Sau Cách mạng tháng Tám, từ việc xóa nạn mù chữ cho đến cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950-1951) và lần thứ hai (1956), phong trào thi đua “Hai tốt”, duy trì và phát triển nền giáo dục trong những năm tháng ác liệt của bom đạn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước… đều mang đậm dấu ấn của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên. Trong đó, xóa nạn mù chữ sau cách mạng và trong kháng chiến chống thực dân Pháp được coi là một trong những dấu ấn đậm nét ngay sau khi ông nhận cương vị Bộ trưởng, bởi điều kiện lịch sử đất nước rất khó khăn bấy giờ, toàn dân gần như mù chữ.
Trong suốt mấy chục năm phục vụ sự nghiệp giáo dục, động lực thúc đẩy Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc còn bởi ông nhận thấy rất rõ sự quan tâm của Bác Hồ dành cho nền giáo dục, đó là “sự quan tâm thường xuyên, liên tục, cụ thể, một sự quan tâm hết sức đặc biệt”. Thế nên, dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng luôn cố gắng đem hết sức mình phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc, lúc ấy ông thường đi xe đạp cùng người cần vụ từ Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đi thăm và kiểm tra khắp các trường học ở khu ba, khu bốn. Có lần, trong chuyến công tác khi đi đò trên sông Gâm đò bị lật, may sao ông vớ được cái sào chống mảng nên thoát chết; hay có lần ông bị ngất trên đường đi công tác các tỉnh ở khu bốn…
Điều đặc biệt trong thời gian ông giữ cương vị này còn bởi ông luôn được Bác Hồ giao cho những nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó có sự góp phần không nhỏ vào công tác ngoại giao nhân dân. Ông được giao phát triển quan hệ với các nước châu Phi, giúp họ phát triển giáo dục, chủ yếu là đưa chuyên gia giáo dục sang giúp nước bạn, bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm trong xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục, cũng như phát triển hệ thống giáo dục phổ thông và đại học…
Sau này, nói về những đóng góp của ông đối với nền giáo dục nước nhà, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Có thể nói ngay mấy việc lớn mà ông, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 30 năm, đã làm được cho sự nghiệp giáo dục. Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích. Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác. Thứ ba là mặc dù kháng chiến vẫn xây dựng và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu. Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn… Hoàn thành các công việc này trong những hoàn cảnh khó khăn lạ lùng của cuộc kháng chiến chứng tỏ ông là người có một ý thức trách nhiệm, lương tâm nhà nghề cực kỳ đẹp đẽ”.
Xuân Phong