Nhân dịp kỷ niệm 71 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2016), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Công ty cổ phần sách Thái Hà tổ chức xuất bản, phát hành tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” của tác giả Trần Mai Hạnh (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam).
Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1977, bốn mươi năm sau, cuốn sách một lần nữa tái ngộ bạn đọc nhưng lần này đã được tác giả bổ sung, chỉnh lý. “Lời tựa một tình yêu”là một câu chuyện cảm động, chân thực, sâu sắc về tình yêu thủy chung son sắt của người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Châu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Anh chị đến với nhau trong bão táp cách mạng, kể từ lúc ngỏ lời cho đến lúc hội ngộ, hạnh phúc trong lễ cưới sau ngày đất nước toàn thắng là 15 năm xa cách. Đó là những tháng ngày đầy giông tố, thử thách và hy sinh. Cả hai bị giam cầm đày đọa qua hàng chục nhà tù, riêng anh Lê Hồng Tư bị cầm tù 15 năm, trong đó trọn 13 năm ở Côn Đảo với cái án tử hình. Và hiện tại họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau, tiếp tục làm đẹp cho đời.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong lễ cưới tại Sài Gòn ngày 17/8/1975. |
Từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. Những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng, tác giả có cơ duyên gặp và có thời gian dài làm việc với anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu.
Câu chuyện kể càng trở nên chân thực, xúc động khi do chính anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu kể lại, tác giả cũng tham khảo những tài liệu liên quan đến tình hình miền Nam và phiên toà Mỹ - Diệm xử tử hình anh Lê Hồng Tư và anh Lê Quang Vịnh ngày 23/5/1962 mà Trung tâm Thông tin-Tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam còn lưu giữ.
Đặc biệt tác giả đã tới hơn chục nhà tù mà anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu từng bị giam giữ, trong đó có bốn chuyến trở lại Côn Đảo tới những hầm đá, chuồng cọp, nhà lao mà anh Lê Hồng Tư từng bị giam cầm tra tấn và từng vượt ngục, gặp lại các nhân chứng để lấy thêm tài liệu, bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết.
Lần đầu khi viết tiểu thuyết này, nhà báo Trần Mai Hạnh đã gửi bản thảo đề nghị nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và là thủ trưởng trực tiếp từng nhiều lần cử tác giả vào mặt trận, chiến trường và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi đó là Phó Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam được Trung ương chỉ định làm đại diện Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức xác minh trước khi xuất bản. Giờ đây, sau bốn mươi năm, khi cuốn tiều thuyết một lần nữa trở lại với bạn đọc, cũng là nhà báo Đỗ Phượng, viết lời tựa cho tác phẩm.
Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN (bên trái) và tác giả (ảnh chụp ngày 21/6/2016 tại Trụ sở TTXVN) khi ông viết lời tựa cho cuốn sách này. |
Vẫn cảm xúc vẫn như cách đây bốn mươi năm, nhà báo Đỗ Phượng viết: “ Ấn tượng mạnh nhất khi đọc “Lời tựa một tình yêu” là sự xúc động, tin cậy, ám ảnh và ngưỡng mộ. Bản tính cẩn trọng, khách quan của một nhà báo và phẩm chất văn chương trong sự dung tưởng phong phú của một nhà văn hoà quyện trong tác phẩm với 12 chương và hơn 200 trang sách. Hoàn cảnh điển hình, tình tiết điển hình, phẩm chất và tính cách điển hình của nhân vật được kết cấu, khắc họa tinh tế bởi một giọng văn giản dị, trầm tĩnh, chan chứa lòng tin yêu cuộc sống đã khiến "Lời tựa một tình yêu" có sức cuốn hút và lay động mạnh mẽ lòng người…
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng cũng khẳng định, là người gắn bó với tác giả và câu chuyện này từ ngày đầu thai nghén, ông rất vui khi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự Thật quyết định công bố tiểu thuyết này và cũng rất vui khi đặt bút viết đôi lời mở đầu cuốn sách. Và, “Nếu xem đây là lời tựa, thì với tôi, cũng như tên tác giả chọn đặt cho tác phẩm của mình, đây là lời tựa cho một Tình yêu – Tình yêu đất nước, Tình yêu lý tưởng, Tình yêu đôi lứa của hai chiến sĩ cộng sản với niềm tin mãnh liệt ở tương lai đã vượt qua sự xa cách đằng đẵng của cả thời gian và không gian, vượt qua những năm tháng giam cầm tra tấn của kẻ thù, vượt qua sắt thép, hiểm nguy và vượt qua cả cái chết để đến với nhau trong một mối tình thuỷ chung, trong sáng như một huyền thoại”.