Kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng là dịp để các thế cán bộ quản lý, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động Nhà hát gặp gỡ, giao lưu, ôn lại chặng đường đã qua, tự hào với truyền thống, tri ân các thế hệ, đồng thời thấy rõ hơn những khó khăn thách thức mới đặt ra, thể hiện quyết tâm cho chặng đường tiếp theo.
Gửi lời chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát nhân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu rõ, cách đây 70 năm, tại chiến khu Việt Bắc, Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập Đoàn Văn công nhân dân Trung ương - tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam ngày nay. Sự ra đời của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương trong kháng chiến đã tạo nên một lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhiều thế hệ cán bộ nghệ sĩ, công nhân viên của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vừa là những nghệ sĩ, vừa chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom, lửa đạn sẵn sàng lấy “tiếng hát át tiếng bom”, lấy tiếng đàn, lời ca, điệu múa cùng "chia lửa" với bộ đội, nhân dân trên khắp chiến trường. Các nghệ sĩ của Nhà hát đã sáng tác và biểu diễn nhiều tác phẩm ca múa nhạc kịp thời phản ánh, ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trên khắp mặt trận.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử đất nước. Cùng với biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, Nhà hát còn phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, phục vụ các hoạt động đối ngoại và quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
“70 năm một chặng đường phấn đấu sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn, hội tụ tỏa sáng của nhiều nghệ sĩ tài năng tâm huyết, tên tuổi gắn liền với chặng đường phát triển rực rỡ vinh quang của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận.
Với những nỗ lực đóng góp, 70 qua, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng khác.
Trong thời kỳ đổi mới, trước sức ép của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi căn bản xu hướng tiếp cận các loại hình văn hóa nghệ thuật. Nhiều loại hình giải trí mới ra đời, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giải trí đã gây ảnh hưởng tới các hoạt động nghệ thuật của nhiều nhà hát. Khắc phục khó khăn, tập thể lãnh đạo và các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã kiên trì định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian dân tộc. Đồng thời, Nhà hát thay đổi tư duy, quan điểm nghệ thuật biểu diễn, thích ứng với xu thế xã hội, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhu cầu nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị trong thời gian tới, Nhà hát cần tiếp tục tìm tòi, đầu tư, xây dựng nhiều tác phẩm có chất lượng nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân, bạn bè thế giới, nêu cao hơn nữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam.
Nhân dịp này, có 30 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những cánh chim không mỏi”, với các tác phẩm đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; quy tụ các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát cùng biểu diễn.