Mang kịch Lưu Quang Vũ và “Đời cười” vào sân khấu miền Nam, khuấy đảo sân khấu Bắc với vở diễn “Thị Hến”, đó là cách để Nhà hát Tuổi trẻ chào tuổi 35 của mình…
Chinh phục khán giả phía Nam
Không phải là một lễ kỷ niệm hoành tráng, rầm rộ; những nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã kỷ niệm tuổi 35 (1978-2013) của mình bằng một hành trình với những vở diễn đặc sắc, mang đẳng cấp và thương hiệu “Tuổi trẻ” trong suốt những tháng vừa qua. Và trong tháng 12 này, hành trình đã khép lại với chuyến lưu diễn “Nam tiến” cũng như sự “thay da đổi thịt” của một nữ đạo diễn vốn xuất thân từ diễn viên của Nhà hát và đã gắn bó với Nhà hát trong suốt 35 năm qua.
Một cảnh trong vở “Thị Hến”. |
Như tâm sự của giám đốc nhà hát Trương Nhuận, hành trình Nam tiến thật sự là một “bước ngoặt” trong hoạt động của Nhà hát ở thời điểm cách đây 8 năm, bởi khi đó sân khấu phía Nam đang rất mạnh và kịch Nam rõ ràng đang lấn át kịch Bắc. “Ngoài ra, “gu” của khán giả phía Nam cũng khác với phía Bắc, thế nhưng hành trình Nam tiến của chúng tôi khi đó đã thành công, bởi với những vở diễn chất lượng, đăng cấp thì ở bất cứ đâu cũng sẽ được đón nhận. Sau lần đầu tiên ấy, suốt 8 năm vừa qua, năm nào anh chị em diễn viên Nhà hát cũng đều có hành trình trở lại với khán giả miền Nam. Trong lần kỷ niệm niệm 35 này cũng không phải là một ngoại lệ”, Giám đốc Trương Nhuận chia sẻ.
Lần “Nam tiến” này của Nhà hát Tuổi trẻ có lẽ là lần hoành tráng nhất, kéo dài suốt từ 16/12/2013 - 15/1/2014, với con số nghệ sĩ, diễn viên lên tới hơn 50 người, gồm những gương mặt NSND, NSƯT, những danh hài và các gương mặt diễn viên quen thuộc. Hành trang là 2 vở diễn đặc sắc nhất của cố tác giả Lưu Quang Vũ, đã làm “mưa gió” trong những ngày qua trên sân khấu Thủ đô cũng như tại “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ: “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng”. Ngoài ra là chùm hài kịch gồm những tiểu phẩm hài kịch đặc sắc nhất được chọn lọc trong loạt 20 chương trình hài kịch ăn khách “Đời cười”.
Theo NSƯT - Phó Giám đốc phụ trách biểu diễn Chí Trung - người dẫn đoàn đi lưu diễn lần này, sở dĩ hai vở diễn được chọn là “Lời thề thứ 9” và “Mùa hạ cuối cùng” bởi tính “thời sự” của nó: Nội dung vở diễn vẫn giữ nguyên giá trị và vẫn rất thời sự trong bối cảnh hiện nay; đồng thời là hai vở diễn đặc sắc nhất của Nhà hát vừa tham gia Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ vừa qua. Trong đó, “Lời thề thứ 9” là vở diễn về đề tài đấu tranh với những hiện tượng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ có chức quyền tha hóa trong đời sống, không vì lợi ích của nhân dân, trù dập người lương thiện, gây ra những nỗi khổ, bất công trong xã hội. “Sau 24 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt, những vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm sân khấu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vẫn luôn cuốn hút khán giả bởi những thông điệp nhân văn và nóng hổi tính thời sự của các vụ việc xảy ra đâu đó trên đất nước ta ngày hôm nay”, Phó Giám đốc Chí Trung chia sẻ.
Và “Mùa hạ cuối cùng” là vở kịch giáo dục con người bằng niềm tin, tác phẩm là tiếng nói của những học sinh với khao khát đầu đời, mong muốn được trở thành những người có ích cho xã hội. Đây cũng là vở kịch từng được đạo diễn NSND Phạm Thị Thành dàn dựng rất thành công với những vấn đề xã hội quan tâm trong công tác giáo dục đào tạo lớp trẻ ở nhà trường từ cách đây hơn 30 năm trước cho lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ như: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Đức Hải, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Ngọc Huyền... Lần này, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn NSƯT Chí Trung, vở diễn đã được làm mới và mang hơi thở gần gũi hơn với nhịp sống hiện đại hôm nay. “Mùa hạ cuối cùng” đã được trao giải “Đạo diễn xuất sắc” cho NSƯT Chí Trung và 2 giải vàng (NSƯT Đức Khuê, NS Tùng Linh), 2 giải bạc (NS Thanh Tú, NS Thu Quỳnh) cho các diễn viên xuất sắc trong “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ”.
Làm mới với “Thị Hến”
Không có “cách” kỷ niệm năm thứ 35 trong nghề nào độc đáo hơn của NSND Lê Khanh: Nữ đạo diễn hiếm hoi của sân khấu kịch hiện nay đã quyết định ra mắt công chúng Thủ đô trong một vở diễn mới, được dàn dựng theo phương thức xã hội hóa: Vở “Thị Hến” trong tháng 12 này.
Kịch bản là câu chuyện quen thuộc, phóng tác theo kịch bản dân gian “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”: Ốc - gã trộm lành hiền, ngờ nghệch cõng thầy bói Nghêu mù đi ăn trộm được một món đồ ở nhà Lão trùm Sò giàu nứt đố đổ vách nhưng ti tiện, giả nghĩa giả nhân, bóc lột người dân đói khổ, rồi đem đến bán cho nhà Thị Hến, một góa phụ đẹp đến mặn mòi, nghiêng ngả, một mình tần tảo bán buôn, giao du rộng khắp cả một vùng mới mong yên thân, toàn tiết. Không may bị xã trưởng bắt quả tang, giải Hến lên quan trên xét xử. Trên công đường, nơi “xét xử không cần lý, hơn thua tại đồng tiền, đứa nào chống lại thì tống vào nhà lao cho mọt xác rũ xương”, từ quan huyện đến thầy đề, lính lệ… rặt một lũ hám gái tham tiền đều ngả nghiêng nghiêng ngả trước người góa phụ mong manh nhưng sắc sảo, thông minh này. Thị Hến đã bày mưu, cho cả lũ cùng chui vào một rọ, phơi bày bộ mặt thật của lũ quan tham, hám gái đến bẽ bàng.
Với một vở diễn “không mới” như vậy, điều đáng nói là làm thế nào để ghi lại dấu ấn của mình và đây là điều trăn trở nhất của NSND Lê Khanh. Và “chất nữ tính” một lần nữa lại tạo nên thành công của chị. “Vở kịch đã dựng lên một bức tranh nông thôn sinh động, đầy hấp dẫn bởi những tính cách nhân vật điển hình của những con người dân quê một vùng đồng bằng Bắc Bộ, với những tham - sân - si, những thói hư, tật xấu ăn sâu thành nếp, còn nguyên giá trị phê phán cho tới ngày nay. Vở diễn “Thị Hến” mang đậm chất dân gian, đạo diễn đã dùng thủ pháp ước lệ của chiếu chèo ở sân khấu truyền thống để làm tăng thêm tính châm biếm sâu cay cho vở diễn”, Giám đốc Trương Nhuận đánh giá.
Bài và ảnh: Anh Minh