Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu, thành công cả trong phong trào Thơ mới và thơ ca Cách mạng, với một gia tài thi ca đồ sộ, có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà.
Đóng góp lớn cho cách mạng và thi ca Việt
Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919, tại xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân. Lúc nhỏ, Huy Cận học ở quê, sau vào Huế học, thi đậu Tú tài. Thời gian học ở Huế, Huy Cận đã viết một số bài bình luận văn học, gửi đăng trên báo Tràng An và cũng cho đăng lẻ tẻ một số bài thơ.
Năm 1939, ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông và cũng dành nhiều thời gian hơn cho sáng tác thơ. Năm 1940, ông cho xuất bản tập thơ “Lửa thiêng” và lập tức trở thành hiện tượng thơ ca đặc sắc trong đời sống văn chương đương thời. Ông trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới.
Năm 1942, Huy Cận tham gia hoạt động bí mật trong Mặt trận Việt Minh, được phân công nhiệm vụ vận động trí thức và thanh niên ở Hà Nội. Tháng 8/1945, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào, được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào kinh đô Huế để dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại.
Ông cũng là người được giao nhiều trọng trách trong Chính phủ như: Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời năm 1945, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bộ trưởng đặc trách Văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ… Ông đi nhiều, viết nhiều, tên tuổi của ông trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thứ 3, sau Nguyễn Tuân và Đặng Thai Mai. Ông cũng đã từng là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II và VII. Nhà thơ Huy Cận mất ngày 19/2/2005.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Huy Cận đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như tập thơ “Lửa thiêng” (1940), “Kinh cầu tự” (1942), “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Chiến trường gần, Chiến trường xa” (1973), “Hạt lại gieo” (1984), “Ta về với biển” (1997), “Cha ông nghìn thuở” (2002)…
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thi ca, nhà thơ lão thành cách mạng Cù Huy Cận đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật...
Giáo sư Phong Lê cho rằng, nhà thơ Huy Cận là một trong số ít người có công định hình gương mặt Thơ mới và cũng là thơ Việt nói chung. Ông cũng là một tác giả có sự nghiệp sáng tác dồi dào và liên tục trong đội ngũ các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thế kỷ XX.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, ngay ở tập thơ đầu “Lửa thiêng” xuất bản năm 1940, nhà thơ Huy Cận đã lập tức được giới yêu thơ nhất trí tôn vinh ông là một tài năng lớn. Người đọc nhanh chóng quen hơi, bén tiếng với giọng thơ Huy Cận.
Tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới
Nhà thơ Huy Cận được đánh giá là một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Huy Cận được chia làm hai giai đoạn khá rõ nét. Giai đoạn trước tháng 8/1945, sau khi xuất bản tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” năm 1940, Huy Cận trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới (1932 - 1941) lúc bấy giờ.
Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, nhà thơ Huy Cận là một “kiện tướng” của phong trào Thơ mới. Cặp bài trùng Xuân Diệu – Huy Cận thường được coi là cặp nghệ sỹ sáng giá nhất trong Thơ mới. Xuân Diệu tươi trẻ, rất mới trong sáng tạo, dồi dào thi tứ. Huy Cận là tiếng thơ trầm lắng về ý tưởng, bâng khuâng, xao động vui buồn trong thi tứ…
Theo nhà nghiên cứu, lý luận văn học Tôn Phương Lan, giới nghiên cứu và phê bình nhìn chung đều thống nhất trong việc đánh giá cao tập “Lửa thiêng” của nhà thơ Huy Cận, không chỉ trước cách mạng mà cả sau cách mạng. Đặc trưng của thơ Huy Cận thời kỳ này là nỗi sầu: mênh mang, tràn đầy. Nhà lý luận phê bình Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” gọi đó là “ảo não”. Nỗi buồn trong “Lửa thiêng” của Huy Cận được nhiều nhà nghiên cứu phân tích và cho rằng đó là một biểu hiện của tình yêu cuộc sống. “Sầu” nhưng là nỗi sầu đẹp, nếu nhìn từ góc độ thẩm mỹ, nó làm nên một đặc trưng của “Lửa thiêng” và góp phần làm đa dạng gương mặt Thơ mới.
Giai đoạn thứ 2 là sau Cách mạng tháng Tám thành công,nhà thơ Huy Cận đã hòa nhập với niềm vui của đất nước độc lập, tự do. Ông đánh dấu bước chuyển thắng lợi của mình với tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”, xuất bản năm 1958, cho đến “Đất nở hoa” năm 1960, “Bài thơ cuộc đời” năm 1963… Thơ ông lúc này không còn trầm mặc, buồn ảo não mà đã trở nên gần gũi cuộc đời, với những người lao động, mang niềm vui của kiến thiết, xây dựng.
Theo nhà nghiên cứu văn học, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ, con đường sáng tạo của nhà thơ Huy Cận phát triển trên suốt nửa thế kỷ. Ông là một tác gia lớn trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại với một phong cách riêng đặc sắc. Trước và sau năm 1945, Huy Cận đều có những đóng góp lớn đối với nền văn học nước nhà. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Sau năm 1945, ông cũng thuộc số ít người ở hàng đầu của nền thơ ca Cách mạng.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ nhận định, nhà thơ Huy Cận có mặt và có thành tựu lớn ở cả hai trào lưu thơ ca lớn nhất thế kỷ: Thơ mới và thơ ca Cách mạng. Ông là một trong những nhà thơ quan trọng nhất của phong trào Thơ mới. Ông là người đã góp phần hoàn chỉnh cuộc cách mạng trong thơ ca, khiến từ đó trở đi thơ ca ta có một khuôn mặt hiện đại.
Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ cho rằng, nhà thơ Huy Cận là người cổ vũ nhiệt thành, bảo vệ và suy tôn những giá trị của thơ mới một cách nồng nhiệt. Ông từng khẳng định: “Với Thơ mới, thơ Việt Nam hòa nhập vào thơ hiện đại của thế giới, nhập vào luồng thời đại chung của loài người, nhưng vẫn giữ vững cốt cách Việt Nam, cốt cách ấy, bản sắc ấy không chỉ biểu hiện trong ngôn từ, trong thể loại thơ, mà trước hết là biểu hiện trong lối cảm xúc mới, trong điệu tâm hồn mang rõ dấu ấn Việt Nam…”.
Cũng theo nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, nhà thơ Huy Cận là một trong những người thành công trong việc đưa thơ như một công cụ đã được trau dồi, được hoàn chỉnh, phục vụ Cách mạng, phục vụ sự vận động của đời sống. Qua ngòi bút Huy Cận, ngôn ngữ thơ được trau chuốt, sử dụng có hiệu quả, gây ấn tượng mạnh. Suốt đời Huy Cận đã đem sức lực của trí tuệ, tâm hồn mình để sáng tạo nên những giá trị tinh thần, góp phần làm giàu có thêm truyền thống văn hóa của dân tộc. Ông là người đã đóng góp vào thành tựu của nền thơ Việt Nam trên nhiều bình diện phong phú và quý giá.