Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên (SN 1930) có trên 700 ca khúc thì một phần ba trong số đó là những nhạc phẩm ông viết cho thiếu nhi. Nhiều ca khúc của ông đã trở nên quen thuộc, không chỉ với các em nhỏ mà ngay cả với người lớn như Trường của cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, Chú voi con ở Bản Đôn,…
Âm nhạc không biên giới
Có thể nói nhạc sĩ Phạm Tuyên là người thật hạnh phúc khi nhiều tác phẩm của ông có được chỗ đứng lâu bền trong lòng bao thế hệ thiếu nhi cả nước. Sức sống lâu bền ấy theo ông không gì khác là bài hát phải hay. Hay về ca từ, hay về giai điệu, hay về tinh thần và cả những thông điệp cũng như tình cảm hàm chứa trong đó. “Hay thì người ta nhớ, dở thì người ta quên. Âm nhạc cho trẻ em và người lớn là bình đẳng”, ông nói.
Thế nên, nhiều ca khúc của ông, trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trong đó phải nhắc đến như Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao. Bài hát Tiến lên đoàn viên (ca khúc này cùng với các ca khúc Những ngôi sao ca đêm, Từ làng sen, Đêm trên Cha Lo, Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng đã mang lại giải thưởng cao quí... Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 cho ông) được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác năm 1954, khi ấy ông là giáo viên khu học xá trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc), nơi các em thiếu nhi miền Nam ở cùng. Lúc đó, Đoàn Thanh niên cứu quốc có chủ trương, các em thiếu niên độ tuổi 14-15 phấn đấu tốt sẽ được kết nạp Đoàn.
Chẳng lẽ không có bài hát nào đánh dấu sự kiện này hay sao? Vậy là nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi ấy 24 tuổi, viết một bài hát tặng các em. Ngay sau khi sáng tác, bài hát được đem tới để các em tập hát. Chia tay chiếc khăn quàng đỏ, trở thành đoàn viên đeo huy hiệu đoàn, tự hào và vui sướng nhưng cũng đầy lưu luyến. Trong khi hát, có em đã khóc. Hình ảnh ấy cho đến hôm nay chưa lúc nào phai nhạt trong ông và ông hiểu, sự truyền cảm và sức mạnh của âm nhạc là như thế nào.
Một bài hát nữa cũng khiến ông trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, khi nhớ lại vẫn nguyên vẹn niềm xúc động, đó là bài “Chiếc đèn ông sao” (1956). Bài hát ngay từ khi ra đời không riêng gì thiếu nhi Việt Nam mà cả thiếu nhi quốc tế cũng yêu thích. Năm 1972, khi nhạc sĩ Phạm Tuyên sang Béclin (Đức) dự liên hoan văn nghệ, ông đã thật bất ngờ khi đích thân tiến sĩ âm nhạc Hans Sandig đi tàu đến nơi ông ở để gặp bằng được tác giả “Chiếc đèn ông sao” và tặng ông một đĩa hát và quyển sách in bài hát do Hans Sandig dịch sang tiếng Đức.
Khi ấy ông hỏi tiến sĩ Hans Sandig: “Ông nghe bài hát này có hiểu gì không? - Tôi cũng không hiểu hết điều ông nói đến, nhưng trẻ em Đức thích lắm, nhất là đoạn “tùng rinh rinh”, vì nó giống với lễ hội Carnival bên tôi”. Sau lần gặp ấy cho đến tận bây giờ nhạc sĩ Phạm Tuyên chưa khi nào gặp lại tiến sĩ Hans nhưng kỷ niệm ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong ông. Âm nhạc đã làm được điều kỳ diệu của nó khi vượt qua biên giới và gắn kết con người lại với nhau dù họ khác biệt về ngôn ngữ cũng như nền văn hóa.
Gặt hái những giải thưởng lớn
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói rằng, nhạc cho thiếu nhi đạt chất lượng nghệ thuật cao thì ngay cả người lớn cũng thích chứ không riêng gì các em. Nhiều ca sĩ tên tuổi cũng mê những ca khúc viết cho thiếu nhi. Giọng hát opera nổi tiếng, cố NSND Lê Dung hễ đi bất cứ đâu biểu diễn cho thiếu nhi là hát “Cánh én tuổi thơ”, NSND Thanh Hoa thì yêu thích “Bà còng đi chợ”,… Những bài hát của ông dễ thuộc, tình cảm, vui tươi, có những bài nghe như đang được kể câu chuyện thú vị hay nói chuyện với các em nhỏ vậy.
Để có thể viết các ca khúc ấy, ông bảo, ngoài yếu tố nghệ thuật ra phải có tính sư phạm nữa. Cần hiểu tâm sinh lý các em, viết bài hát cho nhi đồng khác, thiếu nhi khác, thiếu niên khác. Mỗi độ tuổi bài hát có tầm cữ giọng khác nhau. Ông may mắn khi được đọc hàng chục cuốn sách về tâm lý trẻ em do chính vợ mình viết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên là giáo sư Nguyễn Ánh Tuyết, nguyên là chủ nhiệm khoa Tâm lý học trẻ em của Đại học Sư phạm).
Chính bởi thế mà các tác phẩm của ông khi ra đời đều nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Với khoảng hai trăm bài hát cho thiếu nhi, tháng 9 năm nay, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đạt kỷ lục “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao. Đạt được kỷ lục này ông vui lắm, ông vui hơn nữa khi cách đây khoảng vài tuần, người của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đến tận nhà để trao chứng nhận vì ông không thể vào TP Hồ Chí Minh nhận do tuổi đã cao. Nhưng điều khiến ông vui hơn cả là những tác phẩm của mình cho đến hôm nay vẫn được các thế hệ thiếu nhi kế tiếp đón nhận và yêu thích.
“Khi con gái tôi (nay đã hơn 40 tuổi) học trường Mầm non A ở phố Bông Nhuộm (Thợ Nhuộm), một hôm về nói rằng: Cô giáo con bảo, bố là nhạc sĩ thì sáng tác một bài hát cho trường con nhé. Thế là tôi đến thăm trường của cháu, sau đó về sáng tác bài “Trường của cháu là trường mầm non”: Ai hỏi cháu, cháu học trường nào đấy/Bé nào ngoan thì múa hát thật hay/Cô là mẹ và các cháu là con/Trường của cháu đây là trường Mầm non”. Từ bài hát viết riêng cho trường, bây giờ đã trở thành bài hát chung cho tất cả các cháu lứa tuổi mầm non rồi. Thậm chí nhiều nơi còn chế thành “Trường của cháu đây là trường Hoa Sen, hay tên bất cứ một trường nào đó”, nhạc sĩ kể.
Hay bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” cũng đem lại cho nhạc sĩ Phạm Tuyên nhiều cung bậc cảm xúc. Ca khúc này ông sáng tác năm 1983 khi vào thăm Buôn Đôn. Thời gian sau, ông được mời vào Đắk Lắk để nhận phần thưởng bài hát được thiếu nhi Đắk Lắk yêu thích nhất (bài hát cũng được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Truyền hình Đắk Lắk). Sau đó, tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk còn tặng ông một bức tranh khắc gỗ nổi hình ảnh chú voi Bản Đôn mà giờ đây ông đang treo trang trọng trong nhà. Ông bảo, đây mới là phần thưởng cao quý nhất, “phần thưởng của dân tặng” cho nhạc sĩ.
Nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn trăn trở lắm khi những bài hát cho trẻ em vẫn còn quá ít. Nhiều nhạc sĩ lớn tuổi có tâm huyết vẫn quan tâm đến các em mà sáng tác. Nhưng cũng không ít người quan niệm, sáng tác cho thiếu nhi chỉ là “viết bằng tay trái”. Giới trẻ sáng tác nhiều nhưng viết cho thiếu nhi thì hầu như không có. Không ít nhạc sĩ trẻ thừa nhận với ông rằng, viết cho trẻ em thì bài hát “không được hoành tráng, khó có tác phẩm lớn”. Hơn nữa họ sẽ phải tự dàn dựng. Viết cho người lớn, nhất là các ngôi sao sẽ dễ nổi hơn. Chưa kể thực tế viết nhạc cho thiếu nhi nhuận bút thấp khiến cho họ không mấy mặn mà với đề tài này.
Trước đây, khi còn ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam (đồng thời là Trưởng ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói VN), nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đề nghị thành lập hẳn một ban sáng tác cho thiếu nhi. Ông cũng mời một số nhạc sĩ tâm huyết, kết hợp với Ủy ban thiếu niên nhi đồng, khi có bất cứ hoạt động nào của các em, sẽ tham gia để lấy cảm hứng sáng tác.
Thời kỳ ấy, các bài hát cho thiếu nhi ra đời nhiều, nhưng sau đó, khi không còn công tác nữa, thiếu người nhiệt huyết gắn kết, thêm đó ban sáng tác cho thiếu nhi chỉ còn là một phần của Ban thanh nhạc, từ đó nhạc cho thiếu nhi lép vế hẳn. Cho đến bây giờ, tình hình cũng không có gì khởi sắc hơn. Vì thế, ông mong lắm sự phối hợp của các cơ quan chức năng như Hội đồng đội trung ương, Hội liên hiệp phụ nữ, hội Bảo vệ quyền trẻ em để có thể đẩy mạnh sáng tác mảng ca khúc này lên chứ không chỉ dừng ở việc tập hợp lại các tác phẩm đóng thành quyển nằm im lìm trên các giá sách.
Bài và ảnh: Xuân Phong