Đồng cảm với những đau đớn thân xác
“9 tình khúc viết nhạc từ 1.000 tứ thơ Hàn Mặc Tử thật không dễ, nói đúng hơn, rất khó, chúng là thử thách" - nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ. “Tôi đã rất đồng cảm với những đau đớn thân xác mà Hàn Mặc Tử phải mang, vì cũng như ông, tôi từng bị bệnh nặng. Hàn Mặc Tử dùng đạo để siêu thoát, còn tâm hồn tôi thì siêu thoát nhờ sự yêu thương của công chúng”.
Trường ca Hàn Mặc Tử kể câu chuyện từ lúc thi sĩ đang mắc bệnh phong, cả thế giới ma mị, u uẩn mà cũng tràn đầy vẻ đẹp của một nội tâm cô đơn bày hiện trước mắt. Sang bài Hồn là ai? đong đầy tiếng sáo Mèo mở ra cõi giới linh cảm của sự phân thân “xác”, “hồn” và ngập tràn nỗi đau đớn tận cùng khởi nguồn từ lòng ham sống. Đến Trút linh hồn, cảnh mộ địa mở bày trước mắt, vẫn tiếng sáo Mèo thê lương như tiếng khóc cầu kinh đưa hồn người về cõi chết. Giờ phút hấp hối cũng là giờ phút con người đi vào cõi lặng yên êm ái vô cùng…
Viết Trường ca Hàn Mặc Tử từ năm 1994, nhưng đến nay, CD này mới chính thức được ra mắt tại Việt Nam. “Ban đầu, khi các con tôi hát những tình khúc do tôi viết, để làm nên nhạc phẩm này, đều từ tấm lòng với thi sĩ Hàn Mặc Tử. Gọi là đĩa nhạc gia đình, bởi tôi và các con đã cùng nhau làm nên, và rất vô tư, không hề có ý thức hay mục đích nhằm thương mại hóa”, nhạc sĩ Phạm Duy bày tỏ.
92 tuổi, Phạm Duy vẫn viết
Trong không gian trang trọng, đầy tình cảm với sự dẫn dắt của nhà sử học Dương Trung Quốc, lời phẩm bình của giáo sư Trần Văn Khê, lời tự giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy, buổi ra mắt nhạc phẩm Trường ca Hàn Mặc Tử đã lôi cuốn người nghe suốt gần hai giờ. Không ai muốn rời khỏi chỗ của mình, vì sợ bỏ sót một chi tiết quan trọng nào đó.
Nhạc sĩ Phạm Duy trên sân khấu, mái tóc bạc ánh lên dưới ánh đèn vàng, tự ru mình vào giai điệu do chính ông sáng tác. Dù chỉ là bật đĩa để nghe lại, không có ca sĩ hát “live”, thế nhưng, sau khi nốt nhạc cuối cùng của một bài ca kết thúc, khán giả lại vỗ tay nhiệt tình cổ vũ lão nhạc sĩ đang ở tuổi 92.
Sau khi bài ca cuối cùng kết thúc, theo chỉ dẫn của ông Dương Trung Quốc, tất cả những ai tham dự buổi ra mắt đều lên sân khấu, ký tên mình vào tấm backdrop của chương trình. Và kỷ niệm này sẽ được BTC trao tặng đến quê hương của Hàn Mặc Tử.
Cùng lúc đó, rất nhiều người mến mộ nhạc sĩ Phạm Duy, đa phần mái tóc đã điểm bạc, lên tặng hoa và chen chân đứng chụp ảnh cùng ông.
Nhìn ông run rẩy từng nét chữ ký tặng vào CD, bước chân đứng không còn vững, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhanh chân dọn lại ghế bành và mời ông ngồi xuống. Người người vẫn liên tục thay nhau đứng bên nhạc sĩ Phạm Duy, thật lạ, còn có cả tranh giành để được ngồi cạnh vị nhạc sĩ già...
“Lúc này, tôi đang phổ nhạc mười tác phẩm của nhà thơ Bích Khê. Nếu nói đến Hàn Mặc Tử mà không nhắc tới Bích Khê thì thật là thiếu sót. Tôi vẫn làm việc là bởi nếu không sáng tác, tôi sống có nghĩa gì?”, nhạc sĩ Phạm Duy nói, khi dòng người đến và đi đã vãn. Và sâu bên trong, ẩn trong từng câu nói, vẫn còn đó nỗi niềm của người con từng tha hương mà quá nặng nợ với quê hương...
Chín ca khúc kết thành trường ca Trường ca Hàn Mặc Tử chia thành ba phầnvới 9 ca khúc: Tình quê, Đây thôn Vĩ Dạ, Đà Lạt trăng mờ, Trăng sao rớt rụng, Trút linh hồn… kết thành một trường ca, qua giọng hát da diết, trầm đắm của bốn người con trong gia đình Phạm Duy: Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Quang, Tuấn Ngọc. Tất cả đã dẫn dắt người nghe đi vào thế giới riêng của Hàn Mặc Tử. | |