Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi như được… giải tỏa

Rưng rưng, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhiều lần nghẹn lời khi nói về cha mình - học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) - trong buổi tọa đàm nhân ra mắt tập di cảo Hoa đường tùy bút của nhà văn từng là đại thần triều Nguyễn này: “Đây là một sự giải tỏa lớn với gia đình, khi trong vài năm qua, nhiều tác phẩm của cụ Phạm được xuất bản và cho thấy sự đánh giá khách quan, công bằng từ giới nghiên cứu”.

Diễn ra tại Hà Nội vào tối 11/1, cuộc tọa đàm về học giả Phạm Quỳnh và di cảo Hoa đường tùy bút có mặt khá nhiều nhà nghiên cứu văn học như các GS Trần Đình Sử, Phạm Vĩnh Cư, PGS Trần Ngọc Vương, nhà phê bình Cao Việt Dũng… Đa phần, các ý kiến đều đánh giá cao những đóng góp của cố học giả này trên phương diện văn hóa, đồng thời chia sẻ với nhạc sĩ Phạm Tuyên về những uẩn khúc trong sự đánh giá của lịch sử về thân phụ ông.



Nhạc sĩ Phạm Tuyên khá xúc động khi nói về cha.



Học giả Phạm Quỳnh kết thúc cuộc đời một cách khá bi thảm vào chuỗi ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi Phạm Tuyên mới 15 tuổi. “Nhiều lần, phóng viên cả trong và ngoài nước đã hỏi vì sao tôi vẫn đủ sức vượt qua sự cay đắng ấy để đồng hành cùng Cách mạng bằng sáng tác của mình” - nhạc sĩ chia sẻ rất thẳng thắn- “Tôi trả lời: điều đó đến từ sự chia sẻ khách quan mà giới nghiên cứu lịch sử ghi lại. Các lãnh đạo của nước VNDCCH năm đó đều trân trọng và thông cảm với cha tôi, thậm chí còn định mời cụ ra cộng tác cùng Chính phủ nhưng quá trễ”.

Giọng đã rất yếu, vị nhạc sĩ vừa được đề cử vào danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở độ tuổi 80 kể về những ngày cuối cùng của cha mình. Khi đó, được tin về cái chết của ông cựu chủ bút báo Nam Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chia sẻ với gia đình: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cụ cứ vững tâm đi theo cách mạng". Cũng theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi còn sinh thời, nhiều nhà văn, nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh đã chia sẻ với ông: bộ tạp chí Nam Phong - chuỗi thành phẩm quan trọng nhất trong cuộc đời cầm bút của học giả Phạm Quỳnh - là sách gối đầu giường của thế hệ họ.



Bìa cuốn Hoa Đường tùy bút.



Sự thực, như nhận xét của GS Trần Đình Sử, việc nhìn nhận lại vai trò của học giả Phạm Quỳnh bị “đóng băng” trong một thời gian dài. Giữa thập niên 1990, Viện Văn học từng lên kế hoạch tổ chức một buổi tọa đàm về tác phẩm của ông nhưng không thành công vì nhiều lý do. Tới năm 2001, cuốn Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh mới in lần đầu kể từ 1945 và tiếp tục từ đó tới nay là một số tác phẩm khác. Đặc biệt, theo lời nhạc sĩ Phạm Tuyên, việc NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam in Hoa Đường tùy bút lần này rất đáng chú ý, bởi bản thân tác phẩm này từng một thời chịu những đánh giá và áp đặt khá tiêu cực. “Đáng mừng, những tác phẩm được in của cha tôi đều đến từ sự liên hệ chủ động của giới xuất bản. Đó là điều vô cùng ý nghĩa ” - nhạc sĩ Phạm Tuyên nói thêm.

Nói về Hoa Đường tùy bút, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận xét, tập di cảo của Phạm Quỳnh được viết sau khi cha ông rút lui về ở ẩn mang theo bao nỗi trăn trở: “Tôi sinh ra ở buổi giao thời, người Pháp cho tôi là lợi dụng người Pháp để chống lại chính họ, còn người Việt lại coi là tay sai của Pháp”.

Theo thethaovanhoa.vn

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Nhạc sĩ của tuổi thơ
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Nhạc sĩ của tuổi thơ

Đối với nhiều thế hệ, nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là “Nhạc sĩ của tuổi thơ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN