Đây là cuốn sách Đỗ Lê Chi cùng hai người anh của mình - thiếu tướng Đỗ Lê Châu (đã mất), Đỗ Lê Chân - và những người thân, bạn bè biên soạn để tưởng nhớ về người Cha kính yêu nhân 100 năm ngày sinh của ông (1923-2023).
Cuốn sách dày trên 300 trang, đẹp và sang trọng, gồm gần 20 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước về Đỗ Xuân Oanh từ những góc độ khác nhau: Nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc, Người nghệ sĩ tài ba, Những mùa xuân còn mãi, Những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của tác giả Đỗ Xuân Oanh…
Giữa mùa thu lịch sử, khi bài hát "Mười chín tháng Tám" vang lên, mọi người càng nhớ về ông, người nhạc sĩ đã để lại dấu ấn không quên cho nền âm nhạc cách mạng vào khoảnh khắc chói sáng trong lịch sử dân tộc. Câu chuyện Đỗ Xuân Oanh, khi ấy mới 22 tuổi, sáng tác ca khúc này đã được lưu truyền như một huyền thoại: Suốt ngày 18/8/1945 đắm mình trong các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành lớn vào ngày hôm sau 19/8 tiến về Nhà hát Lớn Hà Nội, Xuân Oanh đã linh cảm "sự kiện vô cùng to lớn" sẽ là bước ngoặt lớn của dân tộc. Vì vậy, từ sáng sớm 19/8, ông đã có mặt ở vị trí chỉ huy, tổ chức đoàn tuần hành xuất phát từ khu vực ga Giáp Bát. Đi đầu đoàn tuần hành, Xuân Oanh thấy mình đồng điệu với từng bước chân rầm rập của khối quần chúng sục sôi. Giai điệu cùng những câu từ đầu tiên của bài “Mười chín tháng Tám” vang lên trong đầu ông. Lập tức, ông hát vang giai điệu và ca từ đó. Được câu nào, Xuân Oanh phổ biến ngay cho đoàn biểu tình. Đoàn người lập tức cũng hát theo và thuộc luôn. Tới Chợ Mơ thì bài hát đã đến được câu cuối. Xuân Oanh lại bắt nhịp cho mọi người hát lại từ đầu, vừa tuần hành vừa hát, rất khí thế. Những người mới tham gia vào đoàn tuần hành cũng nhanh chóng thuộc và hát theo... Nhiều nhà phê bình sau này nhận xét, mặc dù ca từ của bài Mười chín tháng Tám chỉ vẻn vẹn gồm 102 chữ, và bài hát được sáng tác theo nhịp đi hành khúc khá đơn giản, song nó đã trở thành ca khúc được phổ biến nhanh nhất trong lịch sử âm nhạc nước nhà.
Cùng với ca khúc Mười chín tháng Tám bất hủ, Xuân Oanh còn là tác giả của những bài ca lay động lòng người về một thời đất nước như "Hồ Chí Minh - Người là muôn ánh sao", “Quê hương anh bộ đội"… và nhiều sáng tác khác. Trong bài viết Trăm năm Xuân Oanh, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã đánh giá: “Tôi viết những dòng này đúng vào dịp ông tròn trăm năm tuổi cũng như người bạn Văn Cao thân thiết. Các ông đã sống, đã sáng tạo, đã tận hiến và đã để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Và đi vào bất tử".
Nhưng Xuân Oanh không chỉ là một nhạc sĩ. Trong cuộc đời 87 năm của mình, ông đã đảm nhận nhiều chức trách, làm nhiều công việc, với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, để lại dấu ấn đặc sắc trên các lĩnh vực khác nhau.
Là một nhà báo, Xuân Oanh là một trong hai người đọc Tuyên ngôn độc lập bằng tiếng Anh trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam những ngày đầu tiên và là phát thanh viên tiếng Anh trên đài quốc gia trong nhiều năm sau này. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm báo Cứu Quốc cùng nhà báo Xuân Thuỷ và các nhà báo tiền bối của báo chí cách mạng Việt Nam.
Xuân Oanh là nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc. Trong nhiều năm, ông là Tổng Thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, tham gia hội nghị Paris và nhiều sự kiện lịch sử khác, đóng góp không mệt mỏi cho việc xây dựng tình hữu nghị với bè bạn khắp năm châu, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Trong tập sách có bài của các nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh như Tom Hayden, July Gumbo, và của Thomas Wilber, con trai của trung tá phi công Mỹ Gene Wilber, người đã có 4 năm 8 tháng bị giam tại Hỏa Lò sau khi máy bay của ông bị bắn rơi tại Nghệ An. Những bài viết đó đã nói lên một cách khách quan tài năng, nhân cách, sức cảm hóa, thu phục lòng người của nhà ngoại giao Đỗ Xuân Oanh.
Là dịch giả, Xuân Oanh đã dịch hàng hoạt tác phẩm văn học nổi tiếng của nước ngoài sang tiếng Việt, như Trần trụi giữa bày sói (dịch cùng Hoàng Tố Vân), Hai số phận, Nửa đêm về sáng, Một lần chưa đủ… Ông là người dịch thơ Hồ Xuân Hương, kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ sang tiếng Anh. Ông còn là tác giả của nhiều bài thơ trữ tình sâu lắng và những bức tranh giàu sức truyền cảm.
Hồi ức của những người thân in trong tập sách cho thấy Đỗ Xuân Oanh kỳ người có ý chí tự lập, tự học, vượt khó khăn rất lớn, với những tài năng, phẩm chất đặc biệt ngay từ khi còn trẻ. Mồ côi mẹ từ nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn, ông làm đủ nghề từ khi mới học hết lớp 4, tự nuôi mình và tự học. Từ vốn tiếng Pháp ban đầu, ông đã biết 7 ngoại ngữ, học nhạc, học đàn, học vẽ, trau dồi vốn văn hóa toàn diện với một ý chí và năng lực đáng kinh ngạc.
Một số bài viết trong sách kể những câu chuyện cảm động về Xuân Oanh và những người thân trong gia đình: Tình yêu, sự gắn bó chung thủy ông dành cho vợ, bà Lê Thị Xuân Uyên, chỗ dựa tinh thần lớn lao trong cuộc đời ông. Bà là một nữ sinh Hà thành sớm đi theo cách mạng, một trong những cán bộ điệp báo đầu tiên của công an Hà Nội, từng bị thực dân Pháp giam cầm ở Hoả Lò. Những hồi ức của các con, cháu cho thấy tình thương yêu, sự quan tâm, dạy dỗ hết lòng của ông bà dành cho ba người con trai - Đỗ Lê Châu, Đỗ Lê Chân, Đỗ Lê Chi, cũng như các cháu sau này.
Nhạc sĩ, nhà ngoại giao, nhà báo, dịch giả Đỗ Xuân Oanh đã đi xa 13 năm. Sách “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng” ra đời nhân 100 năm ngày sinh là một ấn phẩm rất có ý nghĩa để tưởng nhớ về ông, và một lớp người đã làm nên cách mạng tháng Tám, gắn bó cùng dân tộc trong hành trình vì độc lập, tự do. Với tinh thần tận hiến, tình yêu lớn lao, với tài năng và tâm huyết, Đỗ Xuân Oanh đã để lại dấu ấn của riêng mình trong âm nhạc cách mạng và lịch sử đất nước. Dấu ấn ấy sẽ còn mãi với thời gian!