Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến ra đời lần đầu tiên năm 2004, trải qua tám “mùa xuân” đã góp phần tích cực vào sự phát triển âm nhạc đại chúng nước nhà. Xa hơn, giải thưởng còn được kỳ vọng trở thành một “Grammy của âm nhạc Việt”.
Với tiêu chí: “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”, giải thưởng Âm nhạc Cống hiến dựa trên hai yếu tố “công luận” và “phát hiện” làm cơ sở chính cho việc xét đề cử và bầu chọn.
Vì vậy, những khám phá sáng tạo có thể được đông đảo công chúng biết đến (yếu tố công luận) hoặc cũng có thể chưa được đông đảo công chúng biết đến, nhưng nó thật sự là những khám phá sáng tạo thiết thực (yếu tố phát hiện). Giải thưởng là sự tôn vinh các nghệ sĩ và các sản phẩm do họ tạo ra (hoặc hợp tác với những nghệ sĩ khác để tạo ra) theo góc nhìn báo chí, chứ không phải của chuyên ngành âm nhạc và mục đích để giới báo chí tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam; động viên, khuyến khích và thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo âm nhạc đại chúng và góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.
Luôn xuất hiện yếu tố mới
Cống hiến từ khi ra đời “định hình” bốn hạng mục trao giải: "Album của năm", "Chương trình của năm", "Nhạc sĩ của năm", "Ca sĩ của năm". Năm 2007, căn cứ vào tình hình thực tiễn, giải "Ca sĩ của năm" được phân chia thành "Nam ca sĩ của năm" và "Nữ ca sĩ của năm". Trong lần trao giải thứ 8 - 2013 xuất hiện thêm 2 hạng mục mới: "Nghệ sĩ mới của năm" và "Bài hát của năm". Qua các “mùa xuân” Cống hiến từ năm 2004 đến nay, có thể thấy kết quả giải Cống hiến ngày càng đi vào chiều sâu, khẳng định được giá trị của giải thưởng qua từng năm.
Nhạc sĩ Quốc Trung xứng đáng giành giải thưởng “Nhạc sĩ của năm” với những cống hiến cho âm nhạc trong năm qua, đặc biệt là phong trào “Nghe có ý thức”. Ảnh do BTC cung cấp |
Nhìn vào bảng đề cử ở các hạng mục hàng năm đều có thể thấy ở Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến luôn có những yếu tố mới xuất hiện. Không có sự phân biệt giữa mới - cũ, “sao” hay không “sao”, mà trên hết, giải thưởng luôn ghi nhận những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật thực sự của những nghệ sĩ trong suốt một năm hoạt động của họ.
Chính vì thế, dường như năm nào khi bầu phiếu, giải thưởng luôn được đón nhận những bàn luận sôi nổi, thậm chí tranh cãi với các đề cử của BTC đưa ra. Tuy nhiên, thời gian luôn là câu trả lời xác đáng nhất với sự lựa chọn của BTC cũng như sự lựa chọn của những nhà báo - những lá phiếu quyết định sẽ vinh danh những nghệ sĩ ở Giải Âm nhạc Cống hiến.
Năm 2004, mới bước ra từ chương trình Sao Mai Điểm Hẹn, Tùng Dương đã “vượt” Thanh Lam, Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, nhận giải Ca sĩ của năm. Những năm sau đó, Tùng Dương tiếp tục lọt vào các đề cử của Giải Âm nhạc Cống hiến như Album của năm 2007, 2010, 2011, 2012. Và cho đến nay, Tùng Dương với kỷ lục 5 lần nhận cúp Cống hiến với giải quan trọng nhất: "Ca sĩ của năm", không ai còn nghi ngờ về năng lực, sự trưởng thành và ngày càng khẳng định mình trong sự nghiệp âm nhạc của anh. Điều đó cũng phản ánh sự phát hiện tinh tường của Giải thưởng ngay từ mùa đầu tiên.
Cùng với Tùng Dương, những ca sĩ có mặt trong giải thưởng "Ca sĩ của năm" qua các mùa giải Cống hiến có thể kể đến như: Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Đức Tuấn. Cho tới hiện tại, Mỹ Linh là diva duy nhất trong “bộ tứ diva” (Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà) từng đoạt giải "Ca sĩ của năm" giải Cống hiến (năm 2006) với tour diễn xuyên Việt chất lượng cao cả nghe lẫn nhìn.
Ca sĩ Hương Tràm giành giải thưởng “Nghệ sĩ mới của năm”.Ảnh do BTC cung cấp |
Sức bền bỉ của 8 mùa Cống hiến không chỉ nằm ở sự ghi nhận những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, sự chuẩn mực nhưng không rời xa đời sống âm nhạc mà còn nằm ở sự mới mẻ của giải thưởng hàng năm. Yếu tố mới không chỉ nằm ở sự xuất hiện của các nghệ sĩ, các sản phẩm âm nhạc, chương trình âm nhạc ở từng năm mà còn thể hiện sự “thức thời” của BTC giải trước những chuyển mình của thị trường âm nhạc.
Từ năm 2009, đã có rất nhiều đề xuất của báo chí dành cho Giải thưởng. Như nhà báo Chu Minh Vũ (báo Sài Gòn Tiếp thị) cho rằng cần mở rộng giải thưởng với các hạng mục như nam ca sĩ, nữ ca sĩ, video clip, hòa âm... nhà báo Ngô Bá Lục (báo VnMedia), cho rằng BTC nên mạnh dạn đưa thêm giải "Bài hát của năm" và "Cống hiến trọn đời". Với đề xuất giải Triển vọng dành cho ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, ca sĩ Mỹ Linh cho rằng bất cứ một giải thưởng nào cũng quan tâm đến lực lượng trẻ nên có thể thay tên gọi bằng giải Nghệ sĩ mới (dành cho cả ca sĩ và nhạc sĩ). Như đã đề cập, qua những đóng góp quý báu này của giới báo chí, BTC đã quyết định mở thêm hai hạng mục mới cho mùa giải lần thứ 8 - 2013 là giải "Nghệ sĩ mới của năm" và "Bài hát của năm". Theo đó Hương Tràm, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Phạm Thu Hà, Thái Trinh là những gương mặt được đề cử trong các hạng mục mới này.
Đề cao tính công tâm, minh bạch
Cùng với giá trị chuyên môn luôn được đề cao, Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đi đến mùa thứ 8 - 2013 vẫn giữ vững uy tín bởi tính công khai minh bạch. Hằng năm, phiếu bầu chọn của các nhà báo được dán kín trước khi gửi cho BTC. Chỉ trước 2 tiếng trước lễ trao giải, BTC mới tiến hành kiểm phiếu. Năm nay, với hình thức bầu phiếu mới: Bầu phiếu trực tuyến ở hai đầu cầu Nam - Bắc, 100 lá phiếu của các phóng viên văn hóa của các cơ quan báo đài trên toàn quốc được bỏ vào hai thùng phiếu được niêm phong và chỉ được mở vào chiều 24/4, trước khi diễn ra lễ trao giải, Kết quả kiểm phiếu được giữ kín đến phút cuối. Để đảm bảo tính công khai của việc kiểm phiếu nhưng vẫn giữ bí mật kết quả cho đến giờ trao giải.
Ngay sau khi kết thúc lễ trao giải, bản scan toàn bộ phiếu bầu được gửi cho các nhà báo để kiểm chứng. Mỗi lá phiếu không chỉ là cái nhìn và sự đánh giá mà còn là trách nhiệm của các nhà báo trong vai trò là những người thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo âm nhạc đại chúng và góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.
Chính vì sự công tâm và minh bạch đó mà các nghệ sĩ, dù mới chỉ nằm trong bảng danh sách đề cử nhưng họ đã thấy rất vinh dự, thành công vì đó vừa là sự ghi nhận của giải thưởng nhưng cũng là thước đo trước con đường chinh phục công chúng của mỗi người nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, uy tín của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến ngày càng được nâng cao thông qua sự quan tâm, đầu tư của các nhà tài trợ - những mạnh thường quân ủng hộ nghệ thuật. Nhớ lại những năm đầu tiên, khi Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến được đánh giá có tiêu chí và cách bình chọn đầy trách nhiệm nhưng lại chỉ được công bố trong không gian nhỏ hẹp của một phòng trà, tại khách sạn Duxton (TP.HCM) thì nay, việc trao giải định kì luôn được diễn ra tại sân khấu trang trọng tại Nhà hát Lớn của Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2012, lần đầu tiên, Lễ trao giải Cống hiến được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 đã đưa chương trình này đến với đông đảo khán giả. Năm nay, Lễ trao giải được tổ chức lúc 20 giờ ngày 24/4 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, do Báo Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam tổ chức); Công ty Cát Tiên Sa chịu trách nhiệm sản xuất với sự đồng hành sản xuất của VTV6 và sự tài trợ của các đơn vị: MobiFone (tài trợ Vàng), LINE (tài trợ Bạc), Trung Nguyên - The No 1 Coffee và Huda (tài trợ đồng hành). Các báo, đài: Vnews, Tin tức, Việt Nam News, Le Courier du Việt Nam, VietNamNet, Dân trí, Đẹp, F Magazine bảo trợ truyền thông. Lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6, VTV4.
Đạo diễn chương trình gồm êkíp đạo diễn, nhạc sĩ nổi tiếng thuộc hàng đầu showbiz hiện nay thực hiện - êkíp của đạo diễn Phạm Hoàng Nam và nhạc sĩ Đức Trí. Sân khấu lễ trao giải được thiết kế độc đáo, lấy cảm hứng từ chính khu vực “nóng” nhất của thị trường giải trí năm qua: truyền hình thực tế. Phần âm nhạc là sự tái hiện những thành quả của các đề cử dưới góc nhìn Cống hiến, trong đó dàn nhạc giao hưởng được sử dụng trong các tiết mục âm nhạc đại chúng như một trong những mục tiêu của BTC giải Cống hiến đã đem tới cho đời sống âm nhạc sự phong phú và thẩm mỹ cao.
Thu Hằng