Thế nhưng, hiện nay, các cửa hầm của di tích này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng khi hệ thống giá đỡ bằng gỗ bị hư hại nặng và sập…
Theo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, từ năm 1996 - 2000, Ban Quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc đã phục dựng lại các cửa ra vào ở Địa đạo Vịnh Mốc bằng cách ốp gỗ lim dọc các cửa với chiều dài khoảng 20m thay cho bàn, ghế, đồ dùng bằng gỗ được người dân chống đỡ tại các cửa hầm trong những năm chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa vào khai thác Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này đang gặp nhiều khó khăn khi các cửa hầm bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Vịnh Mốc chia sẻ: Do tác động của thời gian, những đoạn gia cố bằng gỗ tại các cửa hầm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cửa hầm đã bị sập, đặc biệt là các cửa hầm thông ra biển. Để bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, Ban Quản lý đã dừng khai thác du lịch tại các cửa hầm này, đồng thời thay đổi lộ trình tham quan dưới lòng địa đạo. Mặt khác, cảnh báo du khách không tự ý tham quan tại các đường hầm có cửa hầm bị hư hại, tránh nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Ban Quản lý đã gửi các tờ trình lên các sở, ban, ngành có liên quan với mong muốn sớm triển khai biện pháp trùng tu lại các cửa hầm. Từ đó, góp phần bảo vệ di tích, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước…
Theo Ban Quản lý Di tích Địa đạo Vịnh Mốc, hiện có 10/13 cửa hầm bị hư hại nặng, 3 cửa hầm còn lại đang khai thác du lịch. Ghi nhận thực tế bên trong địa đạo tại một số cửa hầm như số 1, số 2, số 6, số 12, số 13…, một số cửa hầm có hệ thống giá đỡ bằng gỗ đã bị mục nát, sập, xếp chồng lên nhau nằm chắn ngang cửa hầm. Một số cửa bị nhẹ hơn trong tình trạng lung lay, mục nát có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ở bên ngoài cửa hầm, để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý đã dùng thanh gỗ chắn lại tránh tình trạng du khách không biết đi vào tham quan.
Theo ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, việc bảo vệ và khai thác du lịch tại Địa đạo Vịnh Mốc biện gặp nhiều khó khăn do tình trạng xuống cấp tại các cửa hầm. Qua hơn 10 năm sử dụng, do điều kiện thời tiết dưới địa đạo ẩm ướt khiến hệ thống giá đỡ này nhanh hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, địa đạo nằm ở vùng đất đỏ bazan nên có nhiều mối, mọt làm hư hại. Chính vì vậy, hiện nay, các cửa ra vào của Địa đạo Vịnh Mốc đặc biệt là những cửa ít người lên xuống đã bị sập. Bên cạnh các cửa ra vào, một số hầm lán, giao thông hào cần thiết được phục dựng lại giống với nguyên bản ban đầu.
HĐND tỉnh Quảng Trị đã ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Địa đạo Vịnh Mốc. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi nguồn vốn phân bổ có hạn nên không thể trùng tu, tôn tạo hết các hạng mục bị xuống cấp. Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh mong muốn cấp trên tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng lại hệ thống cửa ra vào, giao thông hào tại Địa đạo Vịnh Mốc. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn di tích lâu dài cũng như khai thác du lịch được tốt hơn…
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử quý giá của người dân Quảng Trị nói riêng và của nước ta nói chung. Đây là công trình có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo không ngừng nghỉ để chiến đấu với quân thù của cha ông ta. Trong những năm tháng chiến tranh, Địa đạo Vịnh Mốc đã biến thành pháo đài vững chãi trong lòng đất, vừa là nơi sinh sống, chiến đấu của quân và nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị. Có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa và lịch sử, vào năm 2014, di tích Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong cụm di tích "Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh" được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Địa đạo Vịnh Mốc có hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm kích thước 0.9m x 1.75m, dài 2.034m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi. Đường hầm trong Địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870m. Những năm qua, trung bình mỗi năm Địa đạo Vịnh Mốc thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, chiêm ngưỡng "công trình có một không hai" này. Chỉ tính riêng trong dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, di tích đã đón trên 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.