Quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường nằm ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1982. Quần thể Di tích này gồm nhiều hiện vật, di tích, như: Đồi đất đỏ Ngọc Hương, chiến hào thép Lộc Tự, đồi tranh Ngọc Hương, ngã ba xóm Chuối (xã Bình Hòa); đồi bằng, bãi biển An Cường, bãi biển Phước Thiện, Sở chỉ huy Trung đoàn 1 Quân giải phóng (xã Bình Hải). Trong đó, điểm di tích chiến hào thép Lộc Tự (ở xóm Lộc Tự Đông, Thôn 3, xã Bình Hòa) hiện vẫn còn xác xe tăng Mỹ, nằm cạnh chiến hào do bộ đội ta sử dụng để chiến đấu.
Tuy nhiên, nhiều hạng mục đều đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể như, tại di tích chiến hào thép Lộc Tự, xác xe tăng hoen gỉ; các bộ phận xe đứt, gãy; trong khu di tích rác thải khắp nơi, tường rêu mốc. Tại khu đồi tranh Ngọc Hương, cây cỏ mọc um tùm, bít cả lối vào khu vực dựng bia ghi lại nội dung và sự kiện lịch sử của Chiến thắng Vạn Tường…
Ông Lê Cát (70 tuổi, Thôn 3, xã Bình Hòa) cho biết, sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này, ông rất vui khi thấy Quần thể di tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm nay, ông chứng kiến cảnh di tích mỗi ngày một hư hỏng nên rất lo lắng. “Nếu cơ quan chức năng không kịp thời duy tu, sửa chữa, bảo vệ, e rằng chỉ ít năm nữa, các hiện vật tại đây sẽ hoàn toàn biến mất”, ông Cát lo lắng.
Được biết, Quần thể di tích Chiến thắng Vạn Tường do Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di tích. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phạm Quang Sự cho rằng: Thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng nóng, lúc mưa nhiều, nước lũ ngập úng dài ngày nên ẩm mốc, mối mọt, xói lở… đã làm tăng nhanh quá trình xuống cấp của di tích. “Di tích Chiến thắng Vạn Tường được huyện, tỉnh hỗ trợ đầu tư trùng tu, tôn tạo đã lâu. Hiện nay, một số hạng mục ngoài trời xuống cấp rất nghiêm trọng. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Dự kiến, huyện đề xuất sẽ trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho hay.
Thắng cảnh núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn) ở xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 1993. Khu vực này đã và đang trở thành khu nghĩa địa.
Núi Phú Thọ có nhiều khối đá granite xám có kích cỡ và hình dạng khác nhau; có hang tự nhiên với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên. Nơi đây vẫn còn phế tích thành Bàn Cờ do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX - X, trên mặt thành có tháp Chăm, nhưng nay đã bị phá, chỉ còn ngổn ngang gạch vỡ.
Sau 20 năm được công nhận Di tích Quốc gia, thắng cảnh này đang bị biến thành một nghĩa địa, cây dại mọc um tùm, các bia tự, vết tích thời xưa trên núi đã hư hỏng và có nguy cơ biến mất. Anh Đinh Duy Sum (xã Nghĩa Phú) cho biết, trước đây, núi Phú Thọ có nhiều người đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn trời mây, biển cả bao la và mục sở thị những tảng đá kỳ dị do tạo hóa ban tặng. Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán và ngày 5/5 (âm lịch), tại đây rất nhộn nhịp. “Núi Phú Thọ gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người, trong đó có tôi. Những buổi trưa hè, lũ trẻ vẫn thường rủ nhau lên núi chơi. Nhưng khoảng 10 năm nay, những di tích trên núi dần hư hỏng, xuống cấp do không được bảo vệ, sửa chữa. Không những vậy, người dân còn “phân lô” bán đất để xây dựng mồ mả nên khu vực này ngày càng hoang vắng, u ám”, anh Sum nói.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 30/8/2022, toàn tỉnh có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có một di tích Quốc gia đặc biệt, 32 di tích cấp Quốc gia, 153 di tích cấp tỉnh, 69 di tích có Quyết định bảo vệ và đăng ký bảo vệ. Qua rà soát, chỉ có 98/254 di tích được cắm mốc giới, 41/254 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng 50/254 di tích bị lấn chiếm, xâm hại, trong đó có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, di tích của tỉnh khá nhiều, chủ yếu là các di tích lịch sử, cách mạng tồn tại dưới dạng địa điểm, nằm rải rác, phân bố ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại rất khó khăn, nên chưa tạo được sự liên kết để phát triển hiệu quả cho các tuyến tham quan du lịch trong tỉnh. Kinh phí đầu tư cho trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô của di tích quốc gia đặc biệt hoặc di tích quốc gia. Nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư kinh phí để phục hồi, tu bổ.
Từ năm 2018 đến nay, hàng năm, ngân sách cấp tỉnh bố trí từ 1,5 - 3 tỷ đồng để thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo quản định kỳ các di tích có nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại. Nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích được xếp hạng. Hiện nay, địa phương chưa có dự án đầu tư lớn về du lịch, vì đầu tư cho du lịch gắn với di tích phải qua nhiều thủ tục quản lý nhà nước, rủi ro cao, chậm thu hồi vốn, không hút được các nhà đầu tư.
“Thời gian tới, Sở sẽ đánh giá lại một số di tích quan trọng như Khu Văn hóa Sa Huỳnh, Lý Sơn, Di tích Quốc gia đặc biệt Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ… để quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển lâu dài cũng như kêu gọi các nhà đầu tư gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, Sở nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các di tích, di sản của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch theo từng loại hình, tạo được đặc trưng riêng của Quảng Ngãi, với các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa”, ông Dũng cho hay.