UBND huyện Lắk tổ chức lễ cúng Bến nước, lễ cúng Sức khỏe cho voi, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, đua thuyền độc mộc truyền thống và Hội trại truyền thống trong hai ngày 11 - 12/3. UBND huyện Krông Pắk tổ chức Liên hoan biểu diễn Lân sư rồng Đắk Lắk mở rộng khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tổ chức cho nhân dân và du khách tham quan khu Di tích lịch sử văn hóa Đồn điền CADA; thưởng thức ẩm thực Tây Nguyên tại các khu du lịch cộng đồng và trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến, pha chế cà phê đặc sản từ ngày 10 - 13/3.
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao trước, trong và sau Lễ hội như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar năm 2023 gắn với lễ hội đua thuyền, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc huyện Krông Bông, Chương trình thôn/buôn vui chơi - thôn/buôn ca hát và Giải việt dã huyện M’Drắk, Giải bóng chuyền biên giới huyện Ea Súp, lễ trồng cây thị xã Buôn Hồ…
Tại thành phố Buôn Ma Thuột (nơi diễn ra nhiều sự kiện chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8), UBND thành phố tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, như: Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số năm 2023; triển khai thí điểm Phố đi bộ và dịch vụ xe đạp công cộng; ra mắt và khai trương phố thưởng thức cà phê miễn phí trên tuyến đường Phan Đình Giót.
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai cho biết, Hội có kế hoạch tổ chức giao lưu với văn nghệ sĩ bốn phương, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam và phát động Cuộc thi Ảnh nghệ thuật về thành phố Buôn Ma Thuột, trao giải và triển lãm ảnh nghệ thuật nhằm hưởng ứng Lễ hội.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 có nhiều chương trình, hoạt động mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp. Qua đó, Ban Tổ chức kỳ vọng, Lễ hội sẽ tạo ra nhiều “cú hích” phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh, ngành hàng cà phê cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Các địa phương đều đăng ký nhiều hoạt động, tham gia hưởng ứng sôi nổi với các sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao trải dài trước, trong và sau Lễ hội. Cùng với đó, thông tin về Lễ hội được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực quan sinh động nhằm giúp người dân vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, hưởng ứng, tham gia.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết thêm, để hưởng ứng, các phòng, đơn vị thuộc Sở cũng tổ chức nhiều hoạt động như: Triển lãm tiêu bản voi, trưng bày chuyên đề "Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk", giải Việt dã tỉnh, chương trình Âm nhạc nghệ thuật đường phố, trưng bày sách kỷ niệm 48 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột và giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2023).