An Giang: Ngày 11/4, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức khen thưởng cho 1 tập thể và 4 cá nhân dân tộc Khmer đã tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
Đó là tập thể cán bộ và nhân dân ấp Tô Thuận (xã Núi Tô) cùng với các ông Chau Hưm (Trưởng công an xã Núi Tô), Chau Kốk (Phó Bí thư Chi bộ ấp Tô Thuận), Chau Sưng (À cha phó chùa Tà Pạ, ấp Tô Thuận), ông Chau Suôn (Ban quản trị chùa Tà Pạ, ấp Tô Thuận), được UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen đột xuất vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nhân dân xây dựng đường giao thông nông thôn tại sóc Tà Hu – Kẹt Cần Đước (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Đây là công trình do đồng bào dân tộc Khmer đề xuất và tự nguyện tham gia góp 2.255 ngày công lao động, với thiết kế mặt ngang rộng 3 mét và dài 5.000 mét.
Cần Thơ: Ngày 12/4, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cùng đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã đến thăm và chúc Tết các vị sư sãi và bà con phật tử chùa Munirensây và chùa Viễn Quang. Trước đó, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP Cần Thơ đã gửi thư chúc Tết đến các vị sư sãi, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và đồng bào Khmer, đồng thời chỉ đạo các địa phương có những hoạt động thiết thực tạo điều kiện cho đồng bào vui Tết vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm. UBND thành phố xuất ngân sách gần 100 triệu đồng tặng quà cho các hộ Khmer nghèo vui Tết, trị giá mỗi phần quà từ 200.000 đến 300.000 đồng. Lãnh đạo các quận, huyện cũng đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết và tặng quà cho các vị sư sãi, gia đình cách mạng và bà con Khmer tiêu biểu tại 12 chùa trên địa bàn TP Cần Thơ.
Sóc Trăng: Ngày 12/4, Ban Dân tộc (BDT) tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi họp mặt nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây 2011 của đồng bào Khmer.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Sà Kha, trưởng BDT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong năm 2010, tỉnh Sóc Trăng đã có 5.028 hộ Khmer thoát nghèo, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm xuống còn 14,26% (theo tiêu chí 2005), có trên 72% hộ Khmer có điện sử dụng và 76,86% hộ Khmer ở nông thôn có nước sạch sử dụng, các huyện có đông đồng bào Khmer đều có trường dân tộc nội trú dành cho học sinh là con em đồng bào Khmer, các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã.