Nhiều sắc thái công trình

Sáng nay, ngày 20/4, Triển lãm Kiến trúc Việt Nam lần IV - VietArc Hà Nội 2012 chính thức khai mạc. Diễn ra từ ngày 20 - 24/4/2012, tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Việt Nam - VEFAC (Hà Nội), triển lãm quy tụ hơn 70 doanh nghiệp trong các ngành kiến trúc, vật liệu, công nghệ, truyền thông... với tổng số 250 gian hàng. Đây cũng là một hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.

Một trong những công trình kiến trúc xanh tham gia triển lãm.


Với chủ đề “Kiến trúc xanh”, trong khuôn khổ các hoạt động của triển lãm, lễ công bố kết quả bình chọn công trình kiến trúc xanh sẽ diễn ra tối 21/4 thực sự là hoạt động được người trong giới quan tâm.

Dự kiến chọn 10, nhưng rồi số công trình được "tôn vinh" lần này đã lên tới 11. Trong đó, điều bất ngờ là có cả những công trình rất "riêng tư" như Lam Cafe, M. House (chủ đầu tư là cá nhân), có cả những công trình là trường học như công trình trường PTCS Phan Chu Trinh (Bình Dương). “Trong danh sách các tác phẩm được bình chọn, điều đáng mừng là có đủ các thể loại công trình, từ lớn tới nhỏ, từ công trình kiến trúc trường học, tới một khu đô thị, rồi từ một quán cà phê ứng dụng vật liệu tại chỗ bằng ngôn ngữ kiến trúc khá đơn giản, cho đến một công trình kiến trúc nhà ở có ứng dụng công nghệ cao, thông mình” - đại diện BTC cho biết.


Có thể điểm mặt 11 công trình để thấy những sắc thái của kiến trúc xanh quả thực phong phú, đa dạng. Đó là “Khu đô thị sinh thái Vincom - Vincom Village” của Tập đoàn VinGroup, do Công ty TNHH kiến trúc ACT Việt Nam thiết kế, một công trình kiến trúc xanh điển hình, luôn được nhắc tới gần đây. Đó cũng là “Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng (I Resort)” ở xã Vĩnh Ngọc - Nha Trang, do Công ty CP du lịch khoáng nóng của Nha Trang làm chủ đầu tư, thiết kế: KTS Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Quý Nhơn, Trần Thị Hằng, Ngô Giao Tiên, Nghiêm Đình Toàn (thuộc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế 21 - TP.HCM) với cái “xanh” rất tự nhiên của mình.

Tương tự như vậy là “Khu khách sạn du lịch Eo Xoài (Mango Bay Resort)” của huyện đảo Phú Quốc, chủ đầu tư Andrew Carr Ellison, KTS Dương Hồng Hiến, với ý thức về kiến trúc xanh được thống nhất cao giữa chủ đầu tư và KTS thiết kế. Với khu khách sạn du lịch Eo Xoài, lợi thế là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đã được KTS “tận dụng” tối đa trong quá trình thi công. Theo đó, ưu tiên việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên sao cho đúng nguyên trạng. Bên cạnh đó, để tiết kiệm điện, hệ thống đèn cho các đường mòn được bố trí tối thiểu trong các gốc cây và sử dụng đèn dầu trái dừa ngoài bãi biển là loại đuốc gió thổi không tắt.

Với công trình “Khu nhà ở thấp tầng, Palm Garden” thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, Hà Nội; thì bản thân tên gọi “Palm Garden” được chọn cũng đã thể hiện ý tưởng ngay từ ban đầu của việc đầu tư thiết kế và xây dựng khu ở là hướng tới các giá trị xanh và phát triển bền vững. Cây cọ dầu là loại cây nhiệt đới được chọn để đặt tên cũng như là loại cây trồng trong không gian khu ở thể hiện tầm nhìn và ý tưởng thiết kế hướng tới sự hòa hợp với môi trường và khí hậu.

Không gian sân vườn chiếm tỉ lệ 30%, không gian ở tối đa 65%, cây trồng nhiều giảm tối đa tác động của ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, giúp hạn chế tối đa năng lượng sử dụng cho điều hòa, cho nội thất công trình, đồng thời là hệ màn chắn tự nhiên tạo bóng mát và tính riêng tư cho công trình. Ngoài ra, ngay với yếu tố vật liệu xây dựng cũng được sử dụng vật liệu tự nhiên, với vật liệu phía ngoài nhà là vật liệu đặc trưng hướng tới sự bền vững.

Khu đô thị Ecopack (Khu đô thị sinh thái Văn Giang - Hưng Yên) của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Việt Hưng cũng là một trong những công trình được tôn vinh lần này. Với EcoPack, chủ đầu tư và KTS đều hướng tới cái “xanh” của việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, với hệ thống thu gom rác thải "bài bản", công nghệ xử lý tiên tiến và thân thiện với môi trường, có phương án kiểm soát chất lượng nước.

11 công trình được bình chọn

1. Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng - I Resort (Vĩnh Ngọc - Nha Trang).

2. Khu khách sạn du lịch Eo Xoài - Mango Bay Resort (huyện đảo Phú Quốc).

3. Khu nhà ở thấp tầng, Palm Garden - Khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội).

4. Khu nghỉ mát Ana Mandara Villas Dalat (Đà Lạt, Lâm Đồng).

5. Ecopack - Khu đô thị sinh thái Văn Giang (Hưng Yên).

6. Khu đô thị sinh thái Vincom - Vincom Village (Hà Nội).

7. M. House (Thiên An, TP Huế).

8. Bambo Wing, Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc).

9. Lam Café (Nha Trang).

10. Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình).

11. Trường PTCS Phan Chu Trinh (Bình Dương).

Đặc biệt đây cũng là công trình có “chủ ý” của nhà đầu tư và KTS trong việc đưa kiến trúc hòa nhập với môi trường nhân văn nơi đây. Với vị trí giáp ranh làng gốm Bát Tràng, tại vùng đất thấm đẫm không gian văn hóa Phố Hiến, văn hóa đồng bằng Bắc bộ; nên chủ đầu tư và KTS thiết kế đã ưu tiên phát triển những không gian văn hóa công cộng, lưu giữ những bản sắc văn hóa địa phương, tạo một nét “xanh” rất riêng cho công trình.

Và bên cạnh những công trình đồ sộ đó, như đã nói ở trên, có thể là “M. House” (Thiên An, thành phố Huế) của KTS Nguyễn Xuân Minh - thuộc Công ty Tư vấn thiết kế tổng hợp Huế, chủ đầu tư tư nhân; với những giải pháp tiết kiệm năng lượng, kiến trúc hiện đại, tối giản, không gian đa năng, linh hoạt với vật liệu được sử dụng tối thiểu. Là “trường PTCS Phan Chu Trinh” - Bình Dương của nhóm KTS Võ Trọng Nghĩa, Shunri Nishizawa, Daisuke Sanuki..., với chiều cao tối đa 5 tầng không vượt quá chiều cao của cây cối nơi đây, bê tông đúc sẵn bao bọc công trình, tránh ánh nắng trực tiếp.

Phong phú, đa dạng là điều thật sự đáng mừng. Và quan trọng hơn, với hệ thống 11 công trình đoạt giải lần này, ta đã thấy một cái nhìn rất đa dạng, đầy đủ về khái niệm kiến trúc xanh; cũng như sự “phổ cập” về kiến trúc xanh trong xã hội. Tuy nhiên, cũng lại vẫn còn nhiều “ngậm ngùi” cho bản thân BTC cũng như các KTS, khi dù đã “gạn đục khơi trong” cũng chỉ có 26 công trình kiến trúc gửi tới dự thi lần này và trong số đó, thì cũng chỉ tập trung vào một vài cái tên quen thuộc trong giới KTS Việt Nam. Điều này cho thấy, vẫn còn một hành trình dài nữa để kiến trúc xanh có thể thực sự đi vào cuộc sống.

T.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN