Nhớ báo xuân xưa...

Trong một góc trưng bày của triển lãm “giở chồng báo cũ” do TTXVN và Công ty Nhã Nam tổ chức vừa qua, nhân dịp 150 năm kể từ ngày báo chí quốc ngữ ra đời, người xem bắt gặp những tờ báo xuân rất đẹp. Bìa báo được trình bày công phu, tinh tế không kém gì những tờ báo xuân được làm với công nghệ in hiện đại ngày nay. Nếu không lần tìm lại những trang báo cũ, không lần giở về những trang kí ức, có lẽ cũng ít người biết rằng, từ rất sớm, những người làm báo ở Việt Nam đã bắt đầu chăm chút những tờ báo xuân để mang lại cho người đọc những giai phẩm trong những ngày xuân về.

Nói theo cách của một nhà sưu tập báo xưa: “Cái khoan khoái khi lần giở xem lại mấy tờ báo xưa ở chỗ khi ngày xuân chưa đến mà lòng đã thấy bóng xuân tràn trên mặt báo. Hơi thở mùa xuân đã len lỏi vào từng ngóc ngách, lần dò vào từng góc kí ức cũ. Kí ức của những ngày thơ bé cũng hiện về. Thường cứ độ trước Tết chừng một tháng, đi ra phố đã thấy họ trải rơm ở lề đường, bán dưa hấu Tết. Cũng trong quãng ấy, mẹ tôi đi làm về thế nào cũng có chục lạp xưởng hoặc vài gói mứt, quà Tết của công ty cho công nhân viên. Những mứt bí, mứt tắc, mứt dừa nhiều màu ấy mẹ cất vào tủ, để dành ba ngày Tết. Thuở ấy quà bánh còn ít và ăn Tết không được sung túc như ngày nay. Ba ngày Tết thường qua rất nhanh, thành ra quãng thời gian thưởng thức phong vị Tết lại hay ở những ngày trước Tết, trong đó có cả việc lần giở những trang báo xuân và khoan khoái với những bài viết thú vị, những bức tranh bìa được dày công chăm chút...”.

Hà Nội Hằng Ngày Số xuân 1957, tranh bìa của họa sĩ Lưu Văn Sìn.

Lịch sử báo chí Việt Nam cho đến nay vẫn ghi nhận tờ tạp chí Nam Phong số Tết 1918 như là tờ báo xuân đầu tiên. Tờ báo Tết ấy đã nhích khỏi khuôn mẫu của những số báo bình thường bằng lối trình bày mỹ thuật, vui tươi hơn, các bài viết đều được đặt trang trọng trong khung hoa với nhiều tranh minh họa, nội dung gồm nhiều bài văn xuân, thơ xuân, câu đối tết. Cũng bởi ý chí của người làm báo mong muốn “Cả năm có ngày Tết là vui... Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới...”, làm riêng tập báo Xuân “trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới...”.

Khởi sự từ tờ Nam Phong số Tết ấy cho đến các năm về sau, các nhà làm báo đã bắt đầu lưu tâm chăm chút hơn cho các số báo xuân. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, báo xuân lại như trăm hoa đua nở trên các sạp báo. Tiêu biểu có thể kể đến số xuân của các báo Phụ Nữ Tân Văn, Mai, Đuốc Nhà Nam, Cười Xuân, Sài Gòn, Điển Tín, Thần Chung, Chị Cùng Em, Mới... ở Nam Kỳ, các báo Loa, Nhi Đồng Họa Bản, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ Nhật, Hà Nội Hàng Ngày, Trăm Hoa... ở Bắc Kỳ và đặc biệt là các số xuân của báo Phong Hóa, Ngày Nay, với lối trình bày đẹp mắt, sáng tạo, luôn hấp dẫn người đọc.

Ngày Nay Số Tết Kỷ Mão1939, tranh bìa của họa sĩ Rigt (Nguyễn Gia Trí), vẽ hình con mèo

Trước Tết năm nay, cũng như mọi năm, Ngày Nay sẽ xuất bản "Số Mùa Xuân", một công trình mỹ thuật, văn chương và ấn loát, giá trị hiếm có. "Số Mùa Xuân 1940" với cách xếp đặt và thể tài khác hẳn các số trước, sẽ là một sự ngạc nhiên cho các bạn, một dịp thưởng thức vui vẻ và ý nhị. Cũng như mọi năm, chúng tôi yêu cầu sự giúp việc của các bạn xa gần, để Số Mùa Xuân Ngày Nay sẽ là một công trình chung của các bạn và của chúng tôi. XIN ĐÓN XEM Ở SỐ BÁO SAU.

Đây là đoạn quảng cáo trên báo Ngày Nay số 190, ra ngày 2/12/1939. Cũng từ số này, việc chuẩn bị bài vở cho Số Mùa Xuân 1940 của báo Ngày Nay bắt đầu. Từ đấy cho đến số xuân, số 198 ra ngày 5/2/1940, lần lượt mỗi số báo đều chen vào những bài quảng cáo hấp dẫn và thú vị, như:

Mới Số Xuân Quý Tỵ 1953.

Mỗi năm một khác, "Số Mùa Xuân 1940" sẽ đem đến cho các bạn đọc tất cả một mùa xuân vui vẻ, một tập văn đầy đủ, cảm động, dịu dàng lẫn với tiếng cười trong trẻo. Các bài vở, truyện ngắn, văn vui, thơ, kịch ngắn, những giai thoại về Tết xưa nay, v.v. đều chọn lọc rất kỹ (Số 196, ngày 13/1/1940).
Hoặc lời quảng cáo cho ấn bản đặc biệt của số xuân:

Những bản giấy tốt (cả tranh phụ bản và bìa) dành riêng cho các bạn thích có tờ báo đẹp và quý để trong tủ sách gia đình. Trước sự hoan nghênh nhiệt liệt của các bạn đọc đối với những bản giấy riêng năm ngoái, năm nay chúng tôi cũng dự định in những bản Ngày Nay Số Mùa Xuân 1940 TRÊN GIẤY HẠNG TỐT: 50 bản, số in nhất định, dành riêng cho những người đặt tiền trước. Mỗi số bán: 2p00. Tiền đặt gửi đến Nhà xuất bản Đời Nay, từ giờ đến: 31 Décembre 1939. (Đăng liên tục từ số 191 ngày 9/12/1939 đến số 195 ngày 6/1/1940).

Trên những tờ báo xuân thời ấy, người đọc cũng có thể bắt gặp những mẩu quảng cáo mô phỏng hình tờ lịch (báo Ngày Nay số 197, ra ngày 20/1/1940), ghi ngày 3/2, là "ngày Số Mùa Xuân Ngày Nay phát hành" và là "một ngày nên ghi nhớ". Bên dưới kê cứu "lịch sử" phát hành các số báo xuân:
- 1937: "Số Mùa Xuân" đầu tiên của Ngày Nay xuất bản. Khắp Đông Pháp người ta tranh nhau mua.
- 19: "Số Mùa Xuân" thứ hai của Ngày Nay xuất bản. Tranh nhau mua. Một người bị thương.
- 1939: "Số Mùa Xuân" thứ ba của Ngày Nay xuất bản. Hai ông cụ khóc vì không mua được, đến chậm quá.

Có thể nói, ở giai đoạn sơ khai của nền báo chí, với những mẩu quảng cáo này, người đọc, đôi khi chỉ mới đọc đến đây thôi đã thấy nhấp nhỏm, chỉ mong đến ngày phát hành để chạy ra tiệm mua ngay một số.

Ngày Nay Số Mùa Xuân 1937, tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, vẽ hình thiếu nữ.

Báo xuân ngày xưa đẹp lạ. Bài vở và mỹ thuật được dụng công chăm nom cẩn thận, có báo lại kèm thêm cả phụ bản, là những tranh mộc bản in màu của những họa sĩ nổi tiếng. Trang phụ bản thường in rời, độc giả có thể lấy dán lên tường, làm tranh trang trí trong mấy ngày xuân. Vậy nên đến nay nếu tờ báo xuân nào còn giữ được phụ bản thì thật trân quý vô cùng, và cũng là “niềm mơ ước” của nhiều nhà sưu tập.

Nội dung các tranh phụ bản thường có chủ đề về mùa xuân như thiếu nữ với hoa xuân, hay vẽ các con vật tượng trưng cho con giáp trong năm hoặc cũng có khi mượn hẳn một bức tranh dân gian rồi biến tấu đi. Ví như tranh bìa tờ Ngày Nay Số Tết 19, họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Rigt) biến tấu từ bức tranh Ngũ Hổ của Hàng Trống theo nội dung rất thời sự, vẽ các “ông Hổ” mang cờ Nhật, cờ Đồng Minh, cờ Phát Xít tượng trưng cho các phe trong Đệ Nhị Thế Chiến, bên cạnh bức tranh là anh chàng Lý Toét đứng thở dài than vãn. Tranh Ngũ Hổ trông oai nghiêm là thế mà dưới tài hoa của họa sĩ lại thoắt trở nên mềm mại, các “ông Hổ” trở nên tếu táo, đáng yêu.

Hoặc giả có cô thiếu nữ mười tám đôi mươi xem tranh phụ bản của họa sĩ Lemur trên báo Khuyến Học Xuân Bính Tý 1936, vẽ hai cô gái dáng điệu thướt tha với mẫu áo dài mặc trong buổi chiều mùa xuân, dưới tranh có thêm lời chú “nên may bằng thứ hàng bóng”, lại chẳng chóng chóng ra ngay tiệm may đặt lấy một bộ để dành chưng diện đón xuân hay sao? Trông xuân thế!

Xuân về, người người hoan hỷ đón xuân mà hồi tưởng thì cũng chỉ nhớ về những chuyện vui ngày Tết. Ở ngoài kia đã bắt đầu vang lên giai điệu nhẹ nhàng của bài “Happy new year”, nhưng trong kí ức của những người ưa quay về với những hoài niệm, chừng như vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng pháo giao thừa, cái không khí gắn liền với những tờ báo xuân xưa... 
Vũ Hà Tuệ
Tưng bừng hội báo Xuân Ất Mùi 2015
Tưng bừng hội báo Xuân Ất Mùi 2015

Với chủ đề "Mừng Xuân, Mừng Đảng, Mừng vận hội mới của đất nước", Hội báo Xuân Ất Mùi 2015 đã chính thức khai mạc sáng 7/2 tại Hà Nội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN