Nhớ nhạc sĩ của 'Tiến quân ca'

“Tiến quân ca” là một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (ảnh) (1923-1995) sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, Tiến quân ca là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay vì "Đoàn quân Việt Nam đi", những người tham gia Việt Minh thường hát là "Đoàn quân Việt Minh đi". Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của quốc ca đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của Văn Cao. Thông thường, khi cử quốc ca trong các buổi lễ, chỉ có lời 1 của bài được sử dụng.

 


Hoàn cảnh ra đời của bài “tiến quân ca”


Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca... Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Trong hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”: “Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày tại căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà 2 tầng, mấy hàng cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những chiếc xe bò chở xác người chết đói về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua những khe sàn gác hở. Ở đây tôi hiểu thêm nhiều chuyện đời. Ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại”. “… Tin từ Nam Định lên, cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa được gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được”. Cứ miên man như thế, một giai điệu trong ông bỗng dâng trào và hòa quyện cùng lời ca như bật ra: “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi)/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Để kết thúc cùng với tiếng thét ở đoạn cao trào, mang dấu ấn từ “Thăng Long hành khúc ca”, một bài ca yêu nước ông đã từng sáng tác trước đó, ông tiếp tục: Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!”. Ông kể tiếp trong hồi ký: “Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và hy vọng”. “Và bài hát đã xong. Tôi nhớ lại nụ cười hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”. Đó là vào một ngày cuối tháng 10/1944.


Bài hát viết xong, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về Mặt trận Việt Minh. Sau đó nhà văn Nguyễn Đình Thi viết bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả hai bài hát này đều được phổ biến rộng rãi trong công chúng.


Quốc ca


Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên. Cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã bàn với Văn Cao thống nhất sửa hai chữ trong Tiến quân ca, cụ thể là rút ngắn độ dài của nốt rê đầu tiên ở chữ "Đoàn" và nốt mi ở giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn hơn. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 1955, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I đã quyết định mời tác giả tham gia sửa một số chỗ về phần lời của quốc ca. Văn Cao sau này đã luyến tiếc vì một số chữ sửa đã làm mất khí thế hùng tráng của ca khúc.


Sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ngày 2/7/1976, hai miền Nam - Bắc thống nhất thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và quốc ca là Tiến quân ca. Năm 1981, Việt Nam tổ chức thay đổi quốc ca. Một cuộc thi được mở ra nhưng sau hơn một năm, cuộc thi này không được nhắc tới nữa và cũng không có tuyên bố chính thức gì về kết quả. Tiến quân ca vẫn là quốc ca Việt Nam cho tới ngày nay. Ngày 21/6/2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm "Tiến quân ca" của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Nghiêm Thúy Băng với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế, đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm "Tiến quân ca" được sử dụng làm quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ 1946 đến nay.


Văn Cao trong lòng người vợ Nghiêm Thúy Băng


Bà Nghiêm Thúy Băng sinh năm 1929, là con gái thứ của một gia đình đại tư sản. Những người cùng thời đã khẳng định, bà có vẻ kiêu sa của một người đã được giáo dục cẩn thận. Chẳng thế mà nhiều chàng trai đương thời thường mơ ước được nhìn bà từ xa. Là tiểu thư nên những sinh hoạt của bà Thúy Băng thời trẻ từ miếng ăn giấc ngủ đều có kẻ hầu người hạ. Vậy mà cuối năm 1945, tình yêu gõ cửa trái tim khi người chiến sĩ Việt Minh Văn Cao, xuất hiện trước cổng nhà in của gia đình bà. Bà từng kể lại rằng, thời gian bén duyên cùng tôi, ông Văn Cao đã nổi tiếng với một loạt ca khúc lãng mạn như Thiên thai, Suối mơ, Tiến quân ca... và bà đã thích những bài hát ấy trước khi gặp nhạc sĩ Văn Cao. Bà chia sẻ với báo giới: “Hồi đó cha mẹ tôi rất cẩn thận, trước khi quyết định gả con gái cho Văn Cao, gia đình đã bí mật điều tra lý lịch, bởi vì có người do ghen tức đã tung tin anh đã yên bề gia thất tại quê nhà. Phải nhờ các mối tin tưởng, thân quen với gia đình tôi, anh ấy mới sáng tỏ là người độc thân trong sáng”. Khi đã trở thành vợ chồng, vì những đặc trưng của nghề sáng tác, nhạc sĩ Văn Cao thường không sáng tác nhạc vào ban ngày vì xung quanh ồn ào, mà ông thường vẽ tranh. Khi đêm xuống, muốn sáng tác nhạc trên piano, ông ấy lấy tấm khăn nhung phủ lên các búa đàn để tiếng đàn nhỏ lại, không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ con mình


Bà Nghiêm Thúy Băng vẫn luôn tự hào rằng, có hai câu thơ mà nhạc sĩ Văn Cao tặng bà đã trở thành nổi tiếng trong làng văn: “Và đôi mắt em/ Như hai giếng nước”…

 

Nhật Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN